Chủ nợ đập phá đồ đạc của con nợ bị tội gì?

Mẹ và chú e có cho 1 người là giám đốc một doanh nghiệp vay tiền. Nhưng giờ đã 6, 7 năm mà vẫn chưa trả và hiện tại đã k có mặt tại địa phương đã mấy năm và chỉ thi thoảng gọi điện về hứa nhưng vẫn k thấy gì. Gần đây e và chú e có đến xưởng mà ông ta để tìm và đòi nợ nhưng k thấy. Do quá bức xúc nên e và chú e có đập phá một số chai lọ gạch ngói (là nơi bày sản phẩm) và vài chiếc ghế gỗ. Sau sự việc đó công an huyện có triệu tập 2 chú cháu e lên làm việc vì bên xưởng có camera và có đơn. Bên công an có cho xem giám định tổng thiệt hại là 14tr.

Vậy em và chú em có thể bị truy cứu tội gì không? Hành động của em và chú là do bên kia vay không trả có được coi là vi phạm trong trạng thái tinh thần bị kích động không

  • Căn cứ pháp lý:

Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017

  • Giải đáp:

Theo Khoản 1, Điều 178, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, quy định Tội hủy hoại hoặc cố ý gây hư hỏng tài sản như sau:

  1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
    a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
    b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
    c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
    d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
    đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

Theo đó, với tổng thiệt hại là 14 triệu đồng bạn và chú bạn có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Ngoài ra, vấn đề phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động được hiểu như sau:

Trong trạng thái tinh thần bị kích động, người phạm tội đã bị cảm xúc chi phối phần nào hành vi của mình, nhưng chưa mất hẳn khả năng nhận thức mà chỉ mất khả năng tự chủ và không thấy hết được tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình.

Trạng thái tinh thần bị kích động của người phạm tội là do nạn nhân đã có hành vi trái pháp luật trước đó, đây là lí do khiến người phạm tội đã không làm chủ và kiểm soát hoàn toàn được hành vi của mình.

Hành vi của nạn nhân ở đây không nhất thiết phải cấu thành tội phạm, đó có thể chỉ là những vi phạm pháp luật khác. Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi trái pháp luật của nạn nhân, mức độ bị kích động của người phạm tội.

Căn cứ theo Điều 175, Bộ luật hình sự 2015 thì Hành vi của người bị hại/ nạn nhân (người vay tiền) đó có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:

1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

…”

Như vậy, vì quá bức xúc việc người vay tiền của mẹ bạn sau 1 thời gian dài không trả, bạn và chú bạn đã có hành vi vi phạm theo quy định của Bộ luật hình sự 2015. Do đó, đây có thể coi là phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra.