Người khác mượn xe đi trộm cắp, chủ xe có liên đới không?

Ngày 10/11 em cho bạn mượn xe máy, đến ngày 12/11 em gọi điện để lấy lại xe thì không gọi được. Liên hệ với bạn gái của nó thì mới biết nó đi xe em đi ăn trộm nhà người ta giờ đang bị công an bắt và giữ luôn cả xe. Luật sư cho em hỏi em có bị tội đồng phạm giúp sức cho nó không? Xe của em thì sẽ bị xử lý thế nào?

Thứ nhất, về vấn đề đồng phạm.

Điều 17 BLHS 2015 quy định về đồng phạm như sau:

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành”.

Theo quy định trên, để được coi đồng phạm với vai trò người giúp sức khi bạn và bạn của bạn phải cùng thực hiện tội phạm do lỗi cố ý. Trong trường hợp này, ngày 10/11 bạn cho bạn của bạn mượn xe máy, đến ngày 12/11 bạn gọi điện để lấy lại xe thì không gọi được. Liên hệ với bạn gái của người bạn ấy thì mới biết đi xe bạn đi  trộm cắp, hiện tại đang bị công an bắt và giữ luôn cả xe. Như vậy, bạn là chủ xe và cho bạn của bạn mượn xe nhưng không biết người này mượn xe thực hiện hành vi phạm tội thì bạn không bị xem là đồng phạm và không phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò là người giúp sức.

Thứ hai, về vấn đề xử lý vật chứng.

Điều 89 BLTTHS 2015 quy định: “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.”

Để phục vụ cho việc xác minh, điều tra, cơ quan điều tra phải  thu thập kịp thời, đầy đủ vật chứng và đưa vào hồ sơ vụ án. Trong trường hợp này, chiếc xe máy được xác định là vật chứng và công an phải tạm giữ phương tiện.

Điều 106 BLTTHS 2015 quy định về xử lý vật chứng như sau:

2. Vật chứng được xử lý như sau:

a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;

b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;

c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.

2. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:

a) Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó;

b) Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án;

c) Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy;

d) Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”.

Mặt khác, Khoản 3 Điều 47 BLHS 2015 quy định: “Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu”.

Theo quy định trên, với trường hợp của bạn, chiếc xe máy của bạn được bạn của bạn mượn thực hiện hành vi phạm tội, nếu xét thấy việc tạm giữ xe là không cần thiết thì cơ quan điều tra có thể trả lại cho bạn.