Cho e hỏi dùng mã tấu chém người gây thương tật 8% thì có bị truy tố không ạ?
Trả lời:
– CSPL: Bộ luật hình sự 2015
– Giải thích:
Kết quả giám định tỉ lệ thương tật của những người bị hại sẽ là căn cứ để truy cứu trách nhiệm đối với tội cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác.
Căn cứ Khoản 1 Điều 134 BLHS 2015: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”.
Có thể thấy, mã tấu là một trong các loại vũ khí nguy hiểm. Căn cứ theo quy định trên thì việc gây thương tích cho người khác với tỷ lệ thương tật là dưới 11% ( cụ thể là 8%) và thuộc trường hợp quy định tại khoản điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội cố ý gây thương tích.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 155 BLTTHD 2015 thì Tội cố ý gây thương tích thuộc nhóm tội danh khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Cụ thể, Điều 155 quy định như sau:
“1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.”
Do vậy, nếu người bị hại không có đơn yêu cầu khởi tố, thì cơ quan điều tra sẽ không ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác.
- Cho bố tiền mua đất, xây nhà nhưng không có giấy tờ chứng minh thì có lấy lại được không?
- Phân biệt bản quyền tác giả và Nhãn hiệu hàng hóa của Doanh nghiệp
- Chuyển tiền nhầm số tài khoản, khách hàng có yêu cầu hoàn trả được không
- Luật có cấm nuôi chó trong chung chư không?
- Sáng chế là gì? Thủ tục đăng ký độc quyền sáng chế