Chào luật sư! Vợ chồng tôi kết hôn năm 2011 hiện nay đã có 2 cháu. Cháu đầu 38 tháng và cháu thứ 2 mới được 4 tháng. Vì chồng tôi sa vào bài bạc và bỏ bê gia đình vợ con nên tôi muốn ly hôn. Trong thời kỳ hôn nhân anh ta có đánh đập chửi mắng tôi.
Về tài sản có 1 sổ đỏ đứng tên 2 vợ chồng (do cha mẹ chồng chuyển nhượng); 4 chỉ vàng (2 chỉ do mẹ tôi tặng và 2 chỉ mẹ chồng tặng khi kết hôn); 3 xe máy gồm 2 xe đứng tên chồng và 1 xe đứng tên tôi. Cả 2 vợ chồng đều làm ruộng. Xin hỏi luật sư, khi ly hôn Tòa sẽ phân chia tài sản và quyền nuôi con như thế nào? Mong luật sư tư vấn giúp.
- Căn cứ pháp lý: Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
- Giải đáp:
Về việc phân chia tài sản khi ly hôn
Căn cứ theo Điều 59 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi, nhưng có tính đến công sức đóng góp, tạo lập của mỗi bên để chia.
Tài sản chung được xác định bao gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được tặng cho chung, thừa kế chung của vợ chồng; tài sản riêng của vợ hoặc chồng nhưng đã thỏa thuận sáp nhập vào tài sản chung thì được coi là tài sản chung của vợ chồng.
Do đó, tài sản chung của vợ chồng bạn được xác định gồm giá trị quyền sử dụng đất do cha mẹ chồng chuyển nhượng lại cùng 4 chỉ vàng được tặng cho chung khi kết hôn.
Đối với tài sản là 3 chiếc xe máy, nếu được mua trong thời kỳ hôn nhân nhưng chỉ ghi tên của vợ hoặc chồng, khi có tranh chấp mà không có căn cứ chứng minh tài sản này thuộc sở hữu riêng của ai thì được coi là thuộc sở hữu chung của vợ chồng.
Về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn:
Theo Khoản 2, Khoản 3, Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình quy định như sau:
“2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
Trường hợp của bạn, nếu vợ, chồng bạn không có thỏa thuận khác, con 4 tháng tuổi của hai bạn sẽ do bạn trực tiếp nuôi. Đối với con 38 tháng tuổi, nếu không thỏa thuận được, Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.
Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Mức cấp dưỡng do hai bạn thỏa thuận, căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.