Nội dung nguyên tắc Bồi thường thiệt hại theo điều 585 BLDS 2015

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại, Điều 585 BLDS năm 2015, quy định:

“1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

  1. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
  2. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
  3. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
  4. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.”

Nghiên cứu nội dung quy định có tính nguyên tắc trên, có thể hiểu:

Thứ nhất, thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Cần phải tôn trọng thỏa thuận của các bên về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường, nếu thỏa thuận đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì khi giải quyết tranh chấp về BTTH ngoài hợp đồng cần chú ý:

Một là, thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ, có nghĩa là khi có yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại do tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm,… phải căn cứ vào các điều luật tương ứng của BLDS năm 2015 quy định trong trường hợp cụ thể đó thiệt hại bao gồm những khoản nào và thiệt hại đã xảy ra là bao nhiêu, mức độ lỗi của các bên để buộc người gây thiệt hại phải bồi thường các khoản thiệt hại tương xứng đó. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, việc xác định đâu là thiệt hại thực tế còn có quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn đến không chỉ khó khăn trong việc xác định trách nhiệm hình sự mà còn cả trong trách nhiệm dân sự của người gây ra thiệt hại.

Hai là, để thiệt hại có thể được bồi thường kịp thời, Tòa án phải giải quyết nhanh chóng yêu cầu đòi BTTH trong thời hạn luật định. Trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật tố tụng để giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự.

Thứ hai, người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình. Người gây thiệt hại chỉ có thể được giảm mức bồi thường khi có đủ hai điều kiện song song với nhau, sau đây:

(i). Do không có lỗi hoặc có lỗi vô ý mà gây thiệt hại;

(ii). Thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại, có nghĩa là thiệt hại xảy ra mà họ có trách nhiệm bồi thường so với hoàn cảnh kinh tế trước mắt của họ cũng như về lâu dài họ không thể có khả năng bồi thường được toàn bộ hoặc phần lớn thiệt hại đó. Thứ ba, khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

Mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với thực tế, có nghĩa là do có sự thay đổi về tình hình kinh tế, xã hội, sự biến động về giá cả mà mức bồi thường đang được thực hiện không còn phù hợp trong điều kiện đó hoặc do có sự thay đổi về tình trạng thương tật, khả năng lao động của người bị thiệt hại cho nên mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với sự thay đổi đó hoặc do có sự thay đổi về khả năng kinh tế của người gây thiệt hại. Ví dụ: Tại thời điểm hai bên thỏa thuận tài sản bồi thường là 35 chỉ vàng 24K, nhưng thời gian sau đó, giá vàng trong nước đột biến tăng mạnh, từ đó, so với thời điểm thỏa thuận, làm cho người vi phạm khó có thể thực hiện nghĩa vụ bồi thường. Như vậy bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi mức bồi thường cho phù hợp.

Thứ tư, khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Với lý lẽ công bằng, gây thiệt hại đến đâu bồi thường đến đó, nhưng trong nhiều trường hợp bên bị thiệt hại lại là bên có phần lỗi dẫn đến thiệt hại. Luật quy định bên bị thiệt hại sẽ không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Vậy, thiệt hại không được bồi thường ở đây được hiểu như thế nào cho đúng? Với trường hợp mỗi bên đều có lỗi cố ý, đều bị thiệt hại về tài sản, sức khỏe,… thì không có gì đáng nói. Nhưng với trường hợp, cả 2 bên đều có lỗi cố ý, nhưng thiệt hại mà bên bị thiệt hại gây ra cho bên gây thiệt hại không đáng kể (có thiệt hại xảy ra nhưng không lớn), còn thiệt hại mà bên gây ra thiệt hại cho bên bị thiệt hại tính toán được bằng con số cụ thể, thì vấn đề đặt ra, Tòa án có xem xét mức độ lỗi của bên bị thiệt hại khi ấm định mức BTTH đối với bên gây ra thiệt hại không? Xoay quanh vướng mắc này, thực tế thường xảy ra hai trường hợp sau:

Một là, thiệt hại hoàn toàn do người bị thiệt hại gây ra, như vậy, người bị thiệt hại sẽ không nhận được bồi thường, tức là người gây ra thiệt hại không có lỗi thì họ không phải BTTH. Ví dụ: Một người cố ý lao vào ô tô để tự tử;..

Hai là, thiệt hại một phần do người bị thiệt hại gây ra, còn một phần do lỗi của người gây thiệt hại, như vậy, người bị thiệt hại vẫn được bồi thường phần thiệt hại không phải do lỗi của mình. Nghĩa là, họ vẫn phải chịu trách nhiệm tương ứng với mức độ lỗi của mình. Trong trường hợp này, Tòa án cần xác định rõ mức độ lỗi của mỗi bên để ấn định trách nhiệm bồi thường cho tương xứng. Vì người bị thiệt hại cũng có lỗi, và chính yếu tố lỗi của họ là là chất xúc tác, là nguyên nhân, dẫn phản ứng tiêu cực của bên gây ra thiệt hại và hậu quả thực tế xảy ra, nhưng họ lại là người bị thiệt hại, do vậy, họ phải tự “bồi thường” cho mình tương ứng với mức độ lỗi đó. Tuy nhiên, việc xác định mức độ lỗi của người gây thiệt hại trong thực tiễn giải quyết án không phải dễ, nhất là việc phân chia tỉ lệ % thiệt hại xảy ra trong những trường hợp “hỗn hợp lỗi”, như: Phạm tội thuộc trường hợp tinh thần bị kích động do hành vi trái pháp luật của người bị thiệt hại hoặc người khác gây ra hoặc thiệt hại xảy ra thuộc trường hợp người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tương ứng tại các điểm đ, c khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) hoặc chỉ đơn thuần là người bị hại có lỗi, trong các vụ án về giao thông hay khi Tòa án xét xử về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” (Điều 105); tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” (Điều 106).

BLDS năm 2015 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017, trước đó, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã biên soạn nhiều tài liệu về những nội dung cơ bản và  quy định mới trong BLDS này để tuyên truyền trong nhân dân; tập huấn chuyên sâu cho cán bộ làm công tác tư pháp trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại (Điều 585 BLDS năm 2015) của các cơ quan tư pháp nói chung, một số Tòa án địa phương nói riêng cho thấy về vấn đề này chưa có sự thống nhất về nhận thức và áp dụng, từ đó, tạo ra có sự khác biệt trong đường lối xử lý, dẫn đến tính pháp chế xã hội chủ nghĩa không được đề cao. Tác giả một số trường hợp, trong rất nhiều trường hợp tương tự mà Tòa án đã xet xử để minh chứng cho nhận định này.

Điều 617 BLDS năm 2005 có quy định về bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi:“Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường.”. Một trong những quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Bộ luật dân sự năm 2015, là ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, pháp nhân trong giao lưu dân sự ; bảo đảm tính kế thừa và phát triển các quy định còn phù hợp với thực tiễn của pháp luật dân sự. Nội dung quy định tại Điều 617 BLDS năm 2005, được nhà làm luật sắp xếp lại theo hướng phù hợp hơn với cơ cấu từng điều trong bộ luật mới, do vậy, có thể thấy, nội dung khoản 2 Điều 584 và khoản 4 Điều 585 BLDS năm 2015 chính là nội dung quy định của Điều 617 BLDS năm 2005. Do vậy, theo tác giả, quan điểm cho rằng khoản 4 Điều 585 BLDS năm 2015 là quy định mới được bổ sung, điều kiện áp dụng phải có thiệt hại vật chất thực tế xảy ra đối với bên gây ra thiệt hại trong trường hợp người bị hại có lỗi là chưa thật sự phù hợp.

Lỗi không tự nó có vị trí độc lập với các yếu tố khác trong việc xác định trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng. Hình thức lỗi cũng không phải là không thể xác định. Theo nguyên tắc chung của trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, phía bên gây thiệt hại dù có lỗi cố ý hay có lỗi vô ý khi gây thiệt hại cho phía bên bị thiệt hại thì người đó thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi có lỗi của mình gây ra. Không vì người gây thiệt hại có lỗi vô ý hoặc lỗi cố ý trong khi gây thiệt hại mà mức bồi thường tăng hay giảm tương ứng theo tính chất lỗi, mà không xem xét thêm các yếu tố khác. Tương tự như vậy, cũng không vì lý do thiệt hại thực tế mà bên bị thiệt hại gây ra cho phía bên gây thiệt hại không đáng kể (có thiệt hại nhưng không lớn), thì buộc người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ, dù người bị thiệt hại có lỗi do cố ý. Vì như vậy sẽ mâu thuẫn ngay chính trong phán quyết của HĐXX, đó là, khi lượng hình phạt có xem xét đến tình tiết giảm nhẹ :người bị hại có lỗi”, nhưng khi xem xét đến trách nhiệm dân sự của bên gây ra thiệt hại (bị cáo), thì lại không đề cập đến quy định tại khoản 4 Điều 585 BLDS năm 2015.

Trường hợp người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại, thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường tương ứng với mức độ lỗi của mình. Trong BLDS năm 2015, không có quy định cụ thể về mức độ lỗi, vì vậy, việc xác định trách nhiệm dân sự “hỗn hợp lỗi” trong trường hợp cả người gây thiệt hại và người bị thiệt hại đều có lỗi gây ra thiệt hại thì mỗi bên phải chịu trách nhiệm dân sự tương ứng với mức độ lỗi của mình. Mức độ lỗi trong trường hợp này được xác định dựa trên những cơ sở lý luận pháp luật hình sự trong việc phân biệt mức độ lỗi vô ý hoặc lỗi cố ý của một người mà gây ra thiệt hại thì tương ứng với nó mức bồi thường thiệt hại có khác nhau. Như cách đặt vấn đề ở phần trên, lỗi phản ánh yếu tố tâm lý của con người, có tác động trực tiếp đến hành vi của người đó và thiệt hại xảy ra do hành vi vô ý vì cẩu thả, vô ý vì quá tự tin hoặc cố ý trực tiếp, cố ý gián tiếp gây ra thiệt hại đã phản ánh yếu tố tâm lý chủ quan của người đó. Việc xác định trách nhiệm hỗn hợp căn cứ vào mức độ lỗi của mỗi bên đã có tính thuyết phục, bởi tính hợp lý của cách xác định đó.

Thứ năm, bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Quy định này đễ thấy nhất khi hành khách di chuyển bằng đường hàng không. Theo đó, phía bên cung cấp dịch vụ vận chuyển sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào về thiệt hại đối với vật dụng bị cấm theo qui định mà do hành khách mang theo trong hành lý; hoặc trong hành lý ký gửi của hành khách bao gồm: Thiệt hại đối với các đồ vật dễ vỡ, hàng mau hỏng (đồ tươi sống, thực phẩm dễ hư hỏng…), tác phẩm nghệ thuật, máy ảnh, máy quay phim, tiền, đồ trang sức, kim loại quí, đồ làm bằng bạc, đá quí, thuốc chữa bệnh, hàng hoá nguy hiểm, máy tính, các thiết bị điện tử, giấy tờ có giá trị chuyển đổi thành tiền, chứng khoán, tài liệu đàm phán, hợp đồng, tài liệu kinh doanh, hàng mẫu, hộ chiếu, giấy tờ tùy thân khác, … để trong hành lý ký gửi mà không khai báo vận chuyển theo dạng hành lý có giá trị cao và thiệt hại đối với các đồ vật tương tự khác cho dù phía bên cung cấp dịch vụ có biết hay không biết. Do đó, để bảo đảm quyền lợi của chính mình, theo quy định tại khoản 5 Điều 585 BLDS năm 2015, hành khách có thể kê khai giá trị hoặc có thể tự mua thêm bảo hiểm riêng cho hành lý của mình trong trường hợp giá trị thực tế hoặc chi phí thay thế của hành lý ký gửi hoặc hành lý xách tay vượt quá mức giới hạn trách nhiệm của phía nhà cung cấp dịch vụ.

Trên đây là một số phân tích của Công ty Luật Vilaco, Anh/chị nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý xin vui lòng liên hệ trực tiếp đến Hotline để được tư vấn chi tiết và hỗ trợ tốt nhất. Trân trọng cảm ơn!