(Hội thảo đầu tư ra nước ngoài của Doanh nghiệp Việt Nam)
Sau hơn 30 năm hội nhập và phát triển, đến nay, Việt Nam không chỉ là một quốc gia tiếp nhận đầu tư hàng đầu trong khu vực, mà còn vươn lên trở thành quốc gia có nhiều doanh nghiệp, dự án đầu tư ra nước ngoài. Hiện nay, Việt Nam trở thành một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Lào, Campuchia… Nhằm góp phần giúp các nhà đầu tư hiểu rõ được các vấn đề pháp lý khi thực hiện đầu tư ra nước ngoài. Bài viết này công ty Luật Vilaco sẽ tư vấn Thủ tục đầu tư ra nước ngoài hi vọng sẽ giải đáp được thắc mắc của Nhà đầu tư.
1.Quy định của pháp luật về hoạt động đầu tư ra nước ngoài
Hiện nay, hoạt động đầu tư ra nước ngoài được luật Việt Nam quy định tại các văn bản sau:
a) Chương V Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2015;
b) Nghị định 83/2015/NĐ-CP đầu tư ra nước ngoài có hiệu lực từ ngày 25 tháng 9 năm 2015;
c) Thông tư 03/2018/TT-BKHĐT ban hành mẫu văn bản thực hiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài;
2.Các điều kiện áp dụng cho hình thức đầu tư ra nước ngoài
Các điều kiện áp dụng đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài được quy định tại điều 58 Luật Đầu tư năm 2014, trong đó nhà đầu tư muốn thực hiện đầu tư ra nước ngoài phải đáp ứng được các điều kiện sau đây:
a) Hoạt động đầu tư ra nước ngoài phù hợp với nguyên tắc quy định tại Điều 51 của Luật này.
b) Hoạt động đầu tư ra nước ngoài không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Điều 6 của Luật này.
c) Nhà đầu tư có cam kết tự thu xếp ngoại tệ hoặc được tổ chức tín dụng được phép cam kết thu xếp ngoại tệ để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài; trường hợp khoản vốn bằng ngoại tệ chuyển ra nước ngoài tương đương 20 tỷ đồng trở lên và không thuộc dự án quy định tại Điều 54 của Luật này thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
d) Có quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 57 của Luật này.
e) Có văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự án đầu tư.
3.Các hình thức thực hiện đầu tư ra nước ngoài
Căn cứ theo khoản 1 điều 52 Luật Đầu tư 2014, hiện nay nhà đầu tư có thể lựa chọn một trong năm hình thức đầu tư ra nước ngoài như sau:
a) Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;
b) Thực hiện hợp đồng BCC ở nước ngoài;
c) Mua lại một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý và thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại nước ngoài;
d) Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài;
đ) Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
4.Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài
Theo quy định tại điều 59 Luật Đầu tư 2014, thủ tục cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài hiện nay được quy định như sau:
“1. Đối với các dự án đầu tư thuộc diện phải quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quyết định chủ trương đầu tư.
2.Đối với dự án không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hồ sơ gồm:
a) Văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
b) Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
c) Quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 57 của Luật này;
d) Văn bản cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản của tổ chức tín dụng được phép cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều 58 của Luật này;
đ) Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, khoa học và công nghệ, nhà đầu tư nộp văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, Luật chứng khoán, Luật khoa học và công nghệ, Luật kinh doanh bảo hiểm.
3.Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài thì phải thông báo cho nhà đầu tư bằng văn bản và nêu rõ lý do”.
Trên đây là những quy định của pháp luật Việt Nam đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Nhà đầu tư không chỉ phải nắm rõ quy định của pháp luật Việt Nam mà còn phải nắm rõ quy định của nước tiếp nhận đầu tư. Nếu có thắc mắc vui lòng gọi điện thoại tới hotline của công ty chúng tôi để được tư vấn miễn phí.