– Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề ngiệp luật sư Việt Nam do Hội đồng Luật sư toàn quốc – Liên đoàn Luật sư Việt Nam thông qua ngày 13/12/2019 theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ.
– Chương III của Bộ Quy tắc quy định những quy tắc mà luật sư phải tuân thủ trong quan hệ với đồng nghiệp.
Luật sư trong quan hệ với đồng nghiệp – theo Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam
CHƯƠNG III – QUAN HỆ VỚI ĐỒNG NGHIỆP
Quy tắc 17: Tình đồng nghiệp của luật sư
17.1. Trong giao tiếp và hành nghề luật sư, luật sư phải tôn trọng lẫn nhau, không phân biệt tuổi tác và thời gian hành nghề.
17.2. Luật sư không để kết quả thắng, thua trong hành nghề làm ảnh hưởng đến tình đồng nghiệp của luật sư.
Quy tắc 18: Tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp
18.1. Luật sư có ý thức tôn trọng, hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp trong hành nghề cũng như trong cuộc sống; góp ý kịp thời khi thấy đồng nghiệp làm điều sai trái, ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp luật sư.
18.2. Trường hợp các luật sư có quan điểm khác nhau khi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cùng một khách hàng trong cùng vụ việc, luật sư cần trao đổi để tránh xảy ra mâu thuẫn, gây ảnh hưởng đến tình đồng nghiệp và quyền lợi của khách hàng.
Quy tắc 19: Cạnh tranh nghề nghiệp
Luật sư không thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đồng nghiệp.
Quy tắc 20: Ứng xử khi có tranh chấp quyền lợi với đồng nghiệp
20.1. Trường hợp có tranh chấp quyền lợi với đồng nghiệp, luật sư cần thương lượng, hòa giải để giữ tình đồng nghiệp; chỉ thực hiện việc khiếu nại, khởi kiện đồng nghiệp khi việc thương lượng, hòa giải không có kết quả.
20.2. Trước khi khiếu nại, khởi kiện đồng nghiệp, luật sư cần thông báo cho Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư nơi mình là thành viên và Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư nơi đồng nghiệp là thành viên biết để có thể hòa giải.
Quy tắc 21. Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp
21.1. Có lời nói, hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của đồng ngiệp hoặc gây áp lực, đe dọa đồng nghiệp.
21.2. Thông đồng, đưa ra đề nghị với luật sư của khách hàng có quyền lợi đối lập với khách hàng của mình để mưu cầu lợi ích cá nhân.
21.3. Tiếp xúc, trao đổi riêng với khách hàng đối lập về quyền lợi với khách hàng của mình để giải quyết vụ việc khi biết khách hàng đó có luật sư mà không thông báo cho luật sư đồng nghiệp bảo vệ quyền lợi hoặc luật sư đại diện cho khách hàng đó biết.
21.4. Thuê, trả tiền môi giới khách hàng hoặc môi giới khách hàng cho đồng nghiệp để nhận tiền hoa hồng.
21.5. Thực hiện các hành vi nhằm mục đích giành giật khách hàng như:
21.5.1. So sánh năng lực nghề nghiệp, phân biệt vùng, miền hoạt động hành nghề của luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư này với luật sư, tổ chức hành nghề luật sư khác.
21.5.2. Xúi giục khách hàng từ chối đồng nghiệp để nhận vụ việc về cho mình hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo luật sư đồng nghiệp.
21.5.3. Trực tiếp hoặc sử dụng nhân viên của mình hoặc người khác làm người dụ dỗ, lôi kéo khách hàng trước trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, cơ quan nhà nước và các tổ chức khác.
21.6. Áp đặt hoặc cố tình chi phối làm ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan trong hành nghề của đồng nghiệp có quan hệ phụ thuộc với luật sư như quan hệ thầy – trò, cấp trên – cấp dưới, huyết thống, thân thuộc.
21.7. Có hành vi tạo thành phe, nhóm giữa các luật sư để cô lập đồng nghiệp trong quá trình hành nghề.
21.8. Thực hiện việc liên kết, liên danh, thành lập nhóm luật sư hoạt động trái với quy định pháp luật về luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư.
Quy tắc 22. Ứng xử của luật sư trong tổ chức hành nghề luật sư
22.1. Luật sư tôn trọng, cư xử đúng mực với đồng nghiệp, nhân viên trong TCHN LS.
22.2. Luật sư trong tổ chức hành nghề LS có biện pháp hợp lý trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình để đảm bảo TCHNLS, các thành viên trong tổ chức tuân thủ Bộ quy tắc; chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm trong TCHNLS nếu:
22.2.1. Yêu cầu thực hiện hành vi vi phạm hoặc đồng ý với hành vi vi phạm đã xảy ra;
22.2.2. Biết hành vi vi phạm đã xảy ra trong khi có thể tránh được hoặc giảm nhẹ hậu quả nhưng đã không có biện pháp khắc phục.
Quy tắc 23. Ứng xử của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân
23.1. Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân không để bị chi phối bởi các yêu cầu, quy định nội bộ của cơ quan, tổ chức để làm trái pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư.
23.2. Trong phạm vi công việc được phân công phụ trách, nếu phát hiện cán bộ, nhân viên của cơ quan, tổ chức chuẩn bị hoặc đang có hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm quy định nội bộ của cơ quan, tổ chức thì LS cần giải thích và đưa ra ý kiến để người đó từ bỏ ý định hoặc dừng hành vi vi phạm.
Trong trường hợp cần thiết, LS cần báo cáo với người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức về hành vi vi phạm.
Quy tắc 24. Quan hệ với người tập sự hành nghề luật sư
24.1. LS hướng dẫn phải tận tâm, nhiệt tình, trách nhiệm, đối xử tôn trọng với người tập sự hành nghề luật sư.
24.2. LS hướng dẫn không được làm những việc sau đây:
24.2.1. Phân biệt đối xử với những người tập sự hành nghề luật sư.
24.2.2. Đòi hỏi tiền bạc, lợi ích khác từ người tập sự hành nghề luật sư.
24.2.3. Lợi dụng tư cách LS hướng dẫn để buộc người tập sự hành nghề luật sư làm những việc không thuộc phạm vi tập sự nhằm phục vụ cho lợi ích cá nhân của LS hướng dẫn.
24.2.4. Xác nhận không phù hợp với quy định của pháp luật và quy định của Liên đoàn LSVN vào Nhật ký tập sự hành nghề LS và Hồ sơ thực hành để người tập sự hành nghề luật sư được tham gia kiểm tra kết quả tập sự hành nghề LS.
Quy tắc 25. Quan hệ của luật sư với tổ chức xã hội – nghề nghiệp LS
25.1, Luật sư có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín, chấp hành Điều lệ, nghị quyết, quyết định, quy định, quy chế, nội quy của Liên đoàn LS, Đoàn LS.
25.2. Mọi ý kiến đóng góp của LS với Đoàn LS, Liên đoàn LS phải đảm bảo sự trung thực, khách quan, mang tính chất xây dựng, góp phần vào sự phát triển tổ chức xã hội – nghề nghiệp LS và nghề LS.