Câu hỏi: Công cổ phần X có ông A là đại diện theo pháp luật và có 50% cổ phần của công ty. Ông A có mua gói bảo hiểm nhân thọ và đăng ký người thừa hưởng là công ty X. Năm 2020 ông A bị tai nạn nên chết, ko để lại di chúc và ko có người thân thích để thừa kế. Vậy công ty X phải làm gì để thay đổi người đại diện, số cổ phần của ông A trong công ty sẽ phải giải quyết ntn, công ty X nhận số tiền bồi thường do bảo hiểm nhân thọ có hợp pháp ko?
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho Công ty luật Vilaco. Đối với câu hỏi này, chúng tôi xin được tư vấn cho bạn như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
- Luật Doanh nghiệp năm 2014.
- Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.
- Bộ luật Dân sự 2015.
- Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 sửa đổi, bổ sung 2010.
2. Tư vấn giải đáp
Thứ nhất, doanh nghiệp thực hiện quy trình thay đổi người đại diện theo pháp luật:
Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014 thì:
“Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp thì ông A là người đại diện theo pháp luật của công ty và ông A bị tai nạn chết. Vậy nên đối chiếu theo quy định tại Khoản 5 Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014 thì:
“Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty”.
Do thông tin bạn cung cấp không nhắc đến việc công ty này có mấy người đại diện theo pháp luật cho nên nếu ông A chết thì với mô hình doanh nghiệp là Công ty cổ phần X thì Hội đồng quản trị tiến hành họp và cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty thay thế ông A.
Trinh tự, thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tham khảo tại bài viết: https://vilacolaw.com/thu-tuc-thay-doi-thong-tin-nguoi-dai-dien-theo-phap-luat-cua-doanh-nghiep/
Thứ hai, chuyển nhượng cổ phần của người đại diện pháp luật đã chết:
Khoản 3 và Khoản 4 Điều 126 Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định:
“3. Trường hợp cổ đông là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của cổ đông đó là cổ đông của công ty.
4. Trường hợp cổ phần của cổ đông là cá nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì số cổ phần đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự”.
Đối với trường hợp của bạn thì ông A không có người thân thích và trước khi chết không để lại di chúc cho nên tài sản của ông bao gồm “50% số cổ phần của công ty” trở thành di sản thừa kế được chia theo quy định của pháp luật Dân sự về thừa kế.
Điều 622 Bộ Luật dân sự 2015 quy định: “Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật về dân sự và thừa kế thì 50% số cổ phần của công ty X mà ông A sở hữu sẽ được đem đi thực hiện các nghĩa vụ về tài sản theo thứ tự ưu tiên thanh toán quy định tại điều 658 Bộ Luật Dân sự 2015 và sau khi thanh toán xong các nghĩa vụ về tài chính mà không có người nhận thừa kế thì tài sản này sẽ thuộc về Nhà nước.
“Điều 658. Thứ tự ưu tiên thanh toán
Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:
- Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng.
- Tiền cấp dưỡng còn thiếu.
- Chi phí cho việc bảo quản di sản.
- Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ.
- Tiền công lao động.
- Tiền bồi thường thiệt hại.
- Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước.
- Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân.
- Tiền phạt.
- Các chi phí khác.”
Thứ ba, Công ty X có quyền được nhận khoản tiền bảo hiểm nhân thọ của ông A không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 sửa đổi bổ sung 2010 thì:
“7. Người được bảo hiểm là tổ chức, cá nhân có tài sản, trách nhiệm dân sự, tính mạng được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm. Người được bảo hiểm có thể đồng thời là người thụ hưởng.
8. Người thụ hưởng là tổ chức, cá nhân được bên mua bảo hiểm chỉ định để nhận tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm con người.”
Như vậy, với trường hợp này thì ông A là người được bảo hiểm vì ông đã mua gói bảo hiểm nhân thọ và công ty X là người thụ hưởng theo quy định của pháp luật bởi vì trong gói bảo hiểm ông A mua có đăng ký người thừa hưởng là công ty X.
Do đó, sau khi ông A chết do tai nạn giao thông thì sẽ được bên bán bảo hiểm nhân thọ chi trả một khoản tiền bồi thường và đương nhiên số tiền đó công ty X được thừa hưởng là hợp pháp vì công ty X là người thụ hưởng theo nội dung đăng kí của ông A trước đó. Và có thể thấy đây là ý chí tự nguyện của ông A.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn giải đáp của Công ty Luật Vilaco về vấn đề: “Người đại diện theo pháp luật của Công ty chết – Các vấn đề pháp lý liên quan“. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ đến tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900 4570 hoặc liên hệ số điện thoại 0974 451 886 để đặt lịch làm việc. Để tham khảo thêm các thông tin giải đáp pháp luật mới nhất, quý khách hàng xin vui lòng truy cập vào website: https://vilacolaw.com/ . Công ty Luật Vilaco rất hân hạnh được phục vụ quý khách hàng và chân thành cảm ơn sự quan tâm, tin tưởng của quý khách hàng đã dành cho chúng tôi.