Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại và mẫu đơn khiếu nại hành chính năm 2024

Để bảo vệ quyền và lợi ích của công dân khỏi bị xâm hại bởi những việc làm, quyết định, hành vi trái pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền trong các cơ quan nhà nước, pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể về nội dung khiếu nại và giải quyết khiếu nại, được ghi nhận tại Luật Khiếu nại năm 2011 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong phạm vi bài viết này, Luật Vilaco xin đưa ra khái quát những nội dung cơ bản nhất về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại và mẫu đơn khiếu nại hành vi hành chính, quyết định hành chính mới nhất năm 2024, cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý

– Luật Khiếu nại năm 2011; 

– Nghị định 124/2020/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại; 

2. Một số khái niệm pháp lý

Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Người khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức thực hiện quyền khiếu nại.

Cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại là cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân.

Người bị khiếu nại là cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyết định kỷ luật cán bộ, công chức bị khiếu nại.

Người giải quyết khiếu nại là cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

Người có quyền, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà không phải là người khiếu nại, người bị khiếu nại nhưng việc giải quyết khiếu nại có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của họ.

Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.

Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

Quyết định kỷ luật là quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng một trong các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của mình theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Giải quyết khiếu nại là việc thụ lý, xác minh, kết luận và ra quyết định giải quyết khiếu nại.

3. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại hành chính

Bước 1: Thụ lý đơn khiếu nại

Để đơn khiếu nại được xem xét giải quyết thì người khiếu nại và nội dung đơn khiếu nại phải đáp ứng được các điều kiện dưới đây: 

a. Điều kiện để được thụ lý giải quyết khiếu nại

Khiếu nại hành chính chỉ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khi không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 11 Luật Khiếu nại năm 2011, cụ thể là các trường hợp sau đây:

– Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ; quyết định hành chính, hành vi hành chính trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới; quyết định hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định;

– Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;

– Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp;

– Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại;

– Đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại;

– Thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng;

– Khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;

– Có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại;

– Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Toà án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án.

b. Kiểm tra các điều kiện để được thụ lý giải quyết khiếu nại

Kiểm tra các điều kiện để được thụ lý giải quyết khiếu nại là việc xem xét tính chính xác về nội dung đơn khiếu nại và chủ thể thực hiện việc khiếu nại. Đơn phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; họ tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, yêu cầu giải quyết của người khiếu nại và phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại. Trường hợp nhiều người khiếu nại cùng một nội dung thì trong đơn phải có đầy đủ chữ ký của những người khiếu nại, việc cử người đại diện trong trường hợp này là yêu cầu phải thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Việc kiểm tra đơn và điều kiện thụ lý được áp dụng chung cho cả giải quyết khiếu nại lần đầu và giải quyết khiếu nại lần hai. Đối với việc giải quyết khiếu nại lần hai, không chỉ thụ lý trường hợp khiếu nại đối với quyết định giải quyết lần đầu, kể cả trường hợp quá thời hạn quy định mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết cũng phải thụ lý. 

Bước 2: Xác minh nội dung khiếu nại

– Người đứng đầu cơ quan tổ chức bị khiếu nại có trách nhiệm thành lập đoàn xác minh để tiến hành xác minh các nội dung ghi nhận trong đơn khiếu nại. 

– Thời gian xác minh nội dung khiếu nại đối với cả khiếu nại lần đầu và khiếu nại lần hai là 30 ngày kể từ ngày thụ lý đối với vụ việc bình thường hoặc 45 ngày đối với vụ việc phức tạp (theo Điều 29 Luật Khiếu nại năm 2011).  

– Việc xác minh nội dung khiếu nại thông qua các hình thức kiểm tra, xác minh trực tiếp tại địa điểm phát sinh khiếu nại và kiểm tra, xác minh thông qua các tài liệu, chứng cứ mà người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp. Kết thúc việc xác minh, người có trách nhiệm xác minh lập báo cáo kết quả xác minh với các nội dung: đối tượng xác minh; thời gian tiến hành xác minh; người tiến hành xác minh; nội dung xác minh; kết quả xác minh; kết luận và kiến nghị nội dung giải quyết khiếu nại.

Bước 3: Tổ chức đối thoại

Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại sẽ tiến hành tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại. Việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ.

Để tiến hành đối thoại người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc đối thoại.

Khi đối thoại, người giải quyết khiếu nại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ liên quan đến khiếu nại và yêu cầu của mình.

Việc đối thoại phải được lập thành biên bản; biên bản phải ghi rõ ý kiến của những người tham gia, kết quả đối thoại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tham gia; trường hợp người tham gia đối thoại không ký, điểm chỉ xác nhận thì phải ghi rõ lý do; biên bản này được lưu vào hồ sơ vụ việc khiếu nại. Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại.

Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, việc đối thoại là công việc bắt buộc, do đó người giải quyết khiếu nại tiến hành đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại. Việc tổ chức đối thoại lần hai tiến hành tương tự như việc thực hiện đối thoại trong giải quyết khiếu nại lần đầu.

Bước 4: Ra quyết định giải quyết khiếu nại

Quyết định giải quyết khiếu nại là văn bản do người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại ban hành trong các lần giải quyết khiếu nại:

– Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; tên, địa chỉ người khiếu nại, người bị khiếu nại; nội dung khiếu nại; kết quả xác minh nội dung khiếu nại; kết quả đối thoại (nếu có); căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại; kết luận về nội dung khiếu nại; giữ nguyên, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại; giải quyết các vấn đề cụ thể trong nội dung khiếu nại; việc bồi thường thiệt hại cho người bị khiếu nại (nếu có); quyền khiếu nại lần hai, quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.

– Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; tên, địa chỉ của người khiếu nại, người bị khiếu nại; nội dung khiếu nại; kết quả giải quyết khiếu nại của người giải quyết khiếu nại lần đầu; kết quả xác minh nội dung khiếu nại; kết quả đối thoại; căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại; kết luận nội dung khiếu nại là đúng, đúng một phần hoặc sai toàn bộ. Trường hợp khiếu nại là đúng hoặc đúng một phần thì yêu cầu người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại sửa đổi, hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại. Trường hợp kết luận nội dung khiếu nại là sai toàn bộ thì yêu cầu người khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan thực hiện nghiêm chỉnh quyết định hành chính, hành vi hành chính; việc bồi thường cho người bị thiệt hại (nếu có) và quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án.

Bước 5: Công bố quyết định giải quyết khiếu nại

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người giải quyết khiếu nại hoặc người có thẩm quyền, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp.

Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần hai phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến. Đồng thời người giải quyết khiếu nại lần hai lựa chọn một hoặc một số hình thức công khai sau đây: (1) công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị khiếu nại công tác; (2) niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức đã giải quyết khiếu nại; (3) thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

4. Mẫu đơn khiếu nại mới nhất năm 2024

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

……, ngày …tháng…..năm 2024

ĐƠN KHIẾU NẠI 

Kính gửi: – Cơ quan, tổ chức, cá nhân ban hành quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính,

Họ tên người khiếu nại: ………….                         .

CCCD số: …………………do…………………….cấp ngày…………….

Địa chỉ thường trú: ………………………………………………….

Số điện thoại:………………

Tên của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại: ………………………..

Địa chỉ: …………………………………………

Khiếu nại về việc: Trình bày cụ thể hành vi hành chính hoặc quyết định hành chính bị khiếu nại. 

Tôi xin trình bày nội dung khiếu nại của mình như sau: Trình bày nội dung lập luận, chứng cứ chứng minh cho khiếu nại của mình đối với hành vi hành chính hoặc quyết định hành chính bị khiếu nại là trái pháp luật, xâm hại trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.

NGƯỜI KHIẾU NẠI

(Ký, ghi rõ họ tên) 

Các tài liệu, giấy tờ gửi kèm: ./.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty Luật Vilaco về vấn đề “Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại và mẫu đơn khiếu nại hành chính năm 2024”. Để được tư vấn, giải đáp thắc mắc, vui lòng liên hệ hotline để được hỗ trợ.