Kinh doanh vàng cần đáp ứng các điều kiện gì? Kinh doanh vàng có cần phải mở công ty không? Trình tự thủ tục cần thực hiện để kinh doanh vàng như thế nào? Trong phạm vi bài viết này, Công ty Luật Vilaco xin đưa ra những giải đáp ngắn gọn, súc tích nhất về vấn đề này
1.Kinh doanh vàng là gì
Kinh doanh vàng là hoạt động trao đổi, mua, bán vàng (bao gồm vàng trang sức, mỹ nghệ; vàng miếng và vàng nguyên liệu).
2.Kinh doanh vàng có phải mở công ty
Theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP thì cá nhân muốn hoạt động kinh doanh vàng phải là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký ngành nghề kinh doanh vàng.
3.Điều kiện kinh doanh vàng
a. Đối với vàng trang sức, mỹ nghệ
Doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
– Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
– Có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ.
(Điều 8 Nghị định 24/2012/NĐ-CP)
b. Đối với vàng miếng
Giống như kinh doanh vàng trang sức, việc kinh doanh vàng miếng cũng phải thành lập doanh nghiệp và có cơ sở vật chất đáp ứng các quy định của pháp luật. Ngoài ra, để được phép kinh doanh vàng miếng thì doanh nghiệp phải xin cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Cụ thể, theo quy định tại Chương 3 Nghị định 24/2012/NĐ-CP và Thông tư 16/2012/TT-NHNN thì:
* Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
– Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
– Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên.
– Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 (hai) năm trở lên.
– Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 (năm trăm) triệu đồng/năm trở lên trong 2 (hai) năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế).
– Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 (ba) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
* Tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
– Có vốn điều lệ từ 3.000 (ba nghìn) tỷ đồng trở lên.
– Có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng.
– Có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 (năm) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
* Ngân hàng Nhà nước quy định thủ tục và hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng đối với doanh nghiệp, tổ chức tín dụng
4. Trình tự thủ tục mở tiệm vàng
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ theo hướng dẫn của Vilaco và ký theo tên.
Bước 2: Nộp hồ sơ online trên hệ thống đăng ký quốc gia về doanh nghiệp tại trang web: https://dangkyquamang.dkkd.gov.vn/
Bước 3: Nhận kết quả hồ sơ nếu hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ không đáp ứng đủ yêu cầu, doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
5. Cá nhân, tổ chức kinh doanh vàng nhưng không thành lập doanh nghiệp theo quy định thì bị xử lý như thế nào?
– Theo quy định tại Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 143/2021/NĐ-CP), trong hoạt động kinh doanh vàng miếng, cá nhân, tổ chức sẽ bị xử lý theo một trong các hình thức vi phạm được nêu dưới đây, tương ứng với từng hành vi vi phạm cụ thể như sau:
(1) Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng;
+ Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.
(2) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
– Mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần;
– Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần.
(3) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
– Không niêm yết công khai giá mua, giá bán vàng miếng tại địa điểm giao dịch theo quy định của pháp luật;
– Vi phạm trách nhiệm của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng khi có thay đổi về mạng lưới chi nhánh, địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng theo quy định của pháp luật.
(4) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
– Kinh doanh mua, bán vàng miếng không đúng quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 8 Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP;
– Mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh không đúng quy định của pháp luật, trừ các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.
(5) Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
– Thực hiện kinh doanh mua, bán vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm;
– Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về trạng thái vàng;
– Xuất khẩu, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ; vàng nguyên liệu dưới dạng bột, dung dịch, vẩy hàn, muối vàng và các loại vàng trang sức dưới dạng bán thành phẩm mà không đúng theo nội dung ngành nghề đã đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
(6) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
– Sử dụng vàng nguyên liệu nhập khẩu không đúng theo giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ;
– Thực hiện kinh doanh mua, bán vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm trong trường hợp tái phạm.
(7) Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động sản xuất vàng miếng không đúng quy định của pháp luật.
(8) Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
– Kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng;
– Thực hiện xuất khẩu hoặc nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật;
– Hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định của pháp luật.
Ngoài các mức phạt tiền trên, cá nhân, tổ chức còn có thể chịu thêm các hình thức phạt bổ sung và có trách nhiệm thực hiện các biện pháp khắc phục như sau:
* Hình thức xử phạt bổ sung:
+ Tịch thu số vàng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, c khoản 8 Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP;
+ Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng trong thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 5 Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP.
* Biện pháp khắc phục hậu quả: Đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 6 Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP.
Như vậy, mức phạt đối đa mà cá nhân, tổ chức trong hoạt động kinh doanh vàng có hành vi vi phạm lên đến 400.000.000 đồng.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty Luật Vilaco về việc Kinh doanh vàng phải mở công ty. Nếu có thắc mắc hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ, Quý khách vui lòng liên hệ hotline để được giải đáp và trao đổi chi tiết.
- Hàng xóm mở nhạc hát karaoke to ảnh hưởng xung quanh thì bị xử lý thế nào?
- Bố mẹ có được thay con gái yêu cầu Tòa án ly hôn không?
- Vợ thai sản nhưng không đóng bảo hiểm, chồng có được hưởng không?
- Dịch vụ tạm ngừng kinh doanh tại Hưng Yên
- Tại sao Đường “Nhuệ” đánh người ngay tại trụ sở Công an nhưng lại được tạm đình chỉ điều tra vụ án?