Bác gái em hơn 80 tuổi ko chồng con, bác cho người con gái nuôi mảnh đất của mình. Chị con gái đã làm hợp đồng tặng cho công chứng và sang tên mình rồi bảo xây nhà xong sẽ đón bác về để nuôi dưỡng tuổi già còn lại cuối đời. Nhưng khi cô con gái làm nhà mới xong để đón bác về ở thì được vài tháng thì chị ấy ruồng bỏ bác em. Cho bác vào bệnh viện khoa tâm thần trong khi bác em chỉ bị đau lưng. Giờ người nhà đưa bác trốn ra ngoài và bác thì muốn đòi lại đất. Không biết bác em có kiện đòi lại được mảnh đất đó không ạ?
Trả lời:
Theo Điều 457 BLDS 2015 hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.
Điều 459 BLDS 2015 quy định tặng cho bất động sản như sau:
“1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.
2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản”.
Theo quy định trên, trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất phải được thực hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, phải đăng ký quyền sở hữu. Bác gái bạn cho người con gái nuôi mảnh đất của mình, chị con gái đã làm hợp đồng tặng cho công chứng và sang tên mình. Trong trường hợp đã tặng cho hoàn tất, việc chuyển quyền sở hữu đã xong thì tài sản đã thuộc về chị con gái, bác gái bạn không thể đòi lại. Trừ trường hợp hợp đồng tặng cho đó là hợp đồng tặng cho có điều kiện.
Điều 462 BLDS 2015 quy định tặng cho tài sản có điều kiện như sau:
“1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Theo thông tin bạn cung cấp, chị con gái bảo xây nhà xong sẽ đón bác về để nuôi dưỡng tuổi già còn lại cuối đời. Nhưng khi chị làm nhà mới xong để đón bác về ở thì được vài tháng thì chị ruồng bỏ bác, cho bác vào bệnh viện khoa tâm thần trong khi bác chỉ bị đau lưng. Như vậy, chị con gái đã vi phạm quy định về thực hiện nghĩa vụ khi được tặng cho mảnh đất tại Điều 462 BLDS 2015. Theo quy định này, bác bạn có quyền đòi lại mảnh đất. Tuy nhiên, các nghĩa vụ, điều kiện khi tặng cho phải được nêu rõ trong “Hợp đồng tặng cho” thì mới có căn cứ để yêu cầu đòi lại tài sản. Nếu không nêu trong hợp đồng tặng cho mà chỉ là nói “miệng” với nhau thì rất khó khăn để bác bạn có thể chứng minh vi phạm và đòi lại đất của mình.