Kính chào Công ty luật Vilaco. Năm nay tôi đã 60 tuổi, là cán bộ hưu trí, tôi có 2 người con trai nhưng tôi không ở với đứa nào cả. Bà nhà tôi đã mất, hiện nay tôi muốn lập di chúc để lại tài sản cho hai thằng con trai tôi. Vậy Luật sư cho tôi hỏi, tôi phải nhờ ai làm chứng cho việc lập di chúc này thì bản di chúc mới hợp pháp. Trân trọng!
Trả lời:
Công ty Luật Vilaco xin cám ơn Bác đã gửi câu hỏi về cho công ty. Với thắc mắc của Bác chúng tôi xin trả lời như sau:
Hiện nay, theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành bản di chúc của Bác có thể không cần người làm chứng thì bản di chúc ấy vẫn được coi là hợp pháp nếu nó đáp ứng được các yêu cầu của Điều 631 Bộ luật dân sự 2015.
Tuy nhiên, nếu Bác muốn có người làm chứng cho việc lập di chúc này thì Bác có thể thực hiện theo một trong hai cách sau:
Cách thứ nhất: Nhờ hai người làm chứng di chúc
Căn cứ pháp luật hiện hành quy định
“Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
- Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”.
Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
Cách thứ hai: Công chứng hoặc chứng thực di chúc
Việc công chứng hoặc chứng thực di chúc được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã và phải tuân theo thủ tục sau đây:
Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã ký vào bản di chúc.
Trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.
Trên đây là lời tư vấn của Luật sư, hy vọng giải đáp thắc mắc của Bác. Nếu còn mắc bất kỳ vấn đề nào, Bác vui lòng gọi đến hotline để được tư vấn trực tiếp và hoàn toàn miễn phí.
- Thủ tục cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ
- Giao xe cho người chưa đủ 18 tuổi điều khiển bị tội gì?
- Thêm chữ vào hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo, bán hàng online mà không xin phép có bị phạt không?
- Thành lập công ty 100% vốn Nhật bản tại Việt Nam
- Không đồng ý với bản án phúc thẩm thì phải làm thế nào?