Nhiều người cùng đứng tên trên sổ đỏ có được không?

Chào luật sư Tôi và một người bạn tôi muốn mua chung một mảnh đất để đầu tư, vậy luật sư cho tôi hỏi chúng tôi không phải là vợ chồng thì có đứng tên cùng một sổ đỏ được không, và thủ tục đăng ký thế nào mong luật sư hướng dẫn

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho Công ty. Sau đây công ty xin phép trả lời như sau:

1.Nhiều người cùng đứng tên trên sổ đỏ có được không?

Trong trường hợp bạn đã nêu, cả bạn và bạn của bạn đều có thể được đứng tên trong sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Theo quy định tại Bộ Luật Dân sự 2015 thì: “Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thế đối với tài sản”. Do vậy trong trường hợp này pháp luật Dân sự hiện nay cũng quy định về vấn đề sở hữu chung tài sản. Tức là nhiều người có thể cùng được chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản đó. Ngoài ra theo quy định tại Khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai 2013 thì  Nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như sau:

“Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện”

Do vậy, Đối với quyền sử dụng đất thì nhiều người có thể cùng sở hữu chung và khi cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, Quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì trên Giấy chứng nhận phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sở hữu và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận, và nếu các chủ sở hữu có yêu cầu khác thì sẽ được cấp chưng một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện. Do vậy, trong trường hợp này của bạn thì bạn cùng những người đồng sở hữu còn lại sẽ thỏa thuận để làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đồng sở hữu ghi đầy đủ thông tin của những người đồng sở hữu và cấp cho mỗi người một bản. Thì khi một trong số những người sở hữu muốn làm bất cứ giao dịch gì liên quan đến quyền sử dụng đất đó thì cần phải có ý kiến của những đồng sở hữu còn lại, hoặc trong số đó có người chết thì phần tài sản của họ sẽ được phân chia và giải quyết theo quy định của pháp luật. Còn trong trường hợp nếu mọi người thỏa thuận cho một người đứng tên trên Giấy chứng nhận thì sẽ có rất nhiều rủi ro gặp phải.

2.Thủ tục đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 

Để thực hiện đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bạn thực hiện theo quy trình hai bước như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất

– Giấy tờ cần chuẩn bị công chứng:

+ Dự thảo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử đụng dất

+ Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng

+ Bản sao CMND, sổ hộ khẩu của các bên

+ Giấy tờ chứng minh tài sản chung/ riêng (Giấy đăng ký kết hôn, giấy xác nhận độc thân)

– Hồ sơ đầy đủ bao gồm:

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (01 bản chính + 02 bản photo có chứng thực)

+ CMND, hộ khẩu 2 bên chuyển nhượng (02 bản có chứng thực)

+ Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (02 bản có công chứng)

+ Giấy tờ chứng minh tài sản chung/ riêng (giây xác nhận tình trạng hôn nhân, 02 bộ có chứng thực)

+ Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất (01 bản chính)

+ Tờ khai lệ phí trước bạ (02 bản chính)

+ Tờ khai thuế thu nhập cá nhân (02 bản chính)

+ Tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (02 bản chính)

+ Tờ khai đăng ký thuế

+ Sơ đồ vị trí nhà đất (01 bản chính)

Bước 2: Nộp hồ sơ   

+ Hộ gia đình, cá nhân nộp tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện, đối với đất thuộc sở hữu của doanh nghiệp, tổ chức thì nộp tại Sở tài nguyên và Môi trường.

+  Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin vào Sổ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả và trao Phiếu tiếp nhận cho người nộp hồ sơ.

+ Thời hạn giải quyết không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 40 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi, nếu có khó khăn vướng mắc xin vui lòng gọi đến hotline để được gặp trực tiếp luật sư tư vấn cụ thể và chi tiết.