Hai bên đánh nhau cùng gây thương tích trên 11% cho nhau thì xử lý thế nào?

Em và một người nữa đánh nhau. Mặc dù cả hai đều bị thương nhưng bên kia đi giám định và nói bị thương tật 18%. Vậy nếu bây giờ e cũng đi giám định thương tật trên 18% thì ai là người bị tội?

TRẢ LỜI:

Cơ sở pháp lý:

  • Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
  • Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

Thứ nhất, về vấn đề Trưng cầu giám định thương tích?

Căn cứ theo quy định tại khoản 4 điều 206 Bộ luật Tố Tụng HÌnh sự 2015 như sau:

Điều 206. Các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định

Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:

  1. Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động;”

Như vậy, đối trường hợp của bạn thì hai bạn có mâu thuẫn xảy ra xô xát dẫn đến thương tích, tổn hại sức khỏe cho cả hai. Tuy nhiên, về mức độ thương tích chính xác thì cần phải thông qua cơ quan giám định kết luận thì mới có căn cứ để cơ quan điều tra đánh giá về hành vi vi phạm, có thể cấu thành tội Cố ý gây thương tích hay không.

Do đó, bên kia nói bị mức độ thương tích 18% thì có thể chưa chính xác và cần có văn bản kết luận của cơ quan giám định.

Thứ hai, Về tội Cố ý gây thương tích nhưng cả hai bên cùng có lỗi thì xử lý như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 như sau:

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

  1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:..”

Do đó, nếu cả hai bên cùng có lỗi trong việc gây thương tích cho bên còn lại thì cả hai bên đều có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, nếu có văn bản kết luận của cơ quan giám định về tỷ lệ tổn thương cơ thể của bên kia là 18% thì bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 thì mức hình phạt của bạn có thể là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Và ngoài ra thì bạn còn phải chịu trách nhiệm dân sự trong việc bồi thường thiệt hại về sức khỏe do hành vi cố ý gây thương tích của bạn gây ra.

Xét về phía bạn, nếu bạn có nhu cầu cần giám định tỷ lệ thương tích thì bạn có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định, căn cứ theo quy định tại điều 207 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 như sau:

Điều 207. Yêu cầu giám định

  1. Đương sự hoặc người đại diện của họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.:”

Cụ thể nếu trường hợp của bạn cũng có tỷ lệ thương tích trên 11% thì bên kia sau khi hồi phục sức khỏe cũng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho bạn.

Tóm lại, khi có kết luận của cơ quan tiến hành giám định về mức độ thương tích thì cơ quan điều tra sẽ kết luận về hành vi của các bên có cấu thành Tội Cố ý gây thương tích tương ứng với tỷ lệ tổn hại sức khỏe theo quy định pháp luật.

Bài viết cùng chủ đề: