Bác em nửa đêm bị tai nạn xe tông vào, đưa vào bệnh viện thì người gây tai nạn không đem tiền, bác em cũng không có tiền trong người, lại là đêm khuya nên bệnh viện không làm được thủ tục, không tiến hành phẫu thuật cấp cứu được. Đến khi liên lạc được với người nhà thì do quá chậm trễ nên bác em đã tử vong. Như vậy bệnh viện có vi phạm quy định gì không ạ?
Trả lời:
Điều 6 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định các hành vi bị cấm gồm:
“1. Từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh”.
Khoản 1 Điều 36 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định nghĩa vụ đối với người bệnh: “Kịp thời sơ cứu, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh, trừ trường hợp quy định tại Điều 32 của Luật này”.
Khoản 1 Điều 32 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh như sau: “Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái với phạm vi hoạt động chuyên môn của mình, nhưng phải báo cáo với người có thẩm quyền hoặc giới thiệu người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để giải quyết. Trong trường hợp này, người hành nghề vẫn phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác”.
Theo như quy định trên, pháp luật quy định nghĩa vụ của người hành nghề khám, chữa bệnh là phải kịp thời sơ cứu, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh, trừ các trường hợp được phép từ chối.
Bác bạn nửa đêm bị tai nạn, đưa vào bệnh viện thì người gây tai nạn không đem tiền, bác bạn cũng không có tiền trong người, lại là đêm khuya nên bệnh viện đã không làm được thủ tục và không tiến hành phẫu thuật cấp cứu. Đến khi liên lạc được với người nhà thì do quá chậm trễ nên bác bạn đã tử vong. Trong trường hợp này, bệnh viện đã vi phạm nghĩa vụ đối với người bệnh theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009.
Trong trường hợp này, gia đình có thể khiếu nại, tố cáo hành vi trái pháp luật của những người có trách nhiệm trên.