Phân loại tội phạm theo Bộ luật hình sự 2015

Tội phạm là gì? Khái niệm tội phạm? Phân loại tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự? Các cách phân loại tội phạm theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam mới nhất 2019.

Tội phạm là gì? Thế nào bị coi là một tội phạm? Các mức độ của tội phạm được phân loại như thế nào? Đối với một người phạm tội, thì hành vi phạm tội đó có bị coi là nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng không, căn cứ vào đâu để nhận định vấn đề đó. Pháp luật hình sự Việt Nam ngay từ BLHS năm 1999 đã có quy định về phân loại tội phạm ở các mức độ khác nhau dựa theo khung hình phạt. Việc phân loại tội phạm sẽ ảnh hưởng tới vấn đề có được hưởng án treo hay không? Thời gian xoá án tích,… Vì vậy, để hiểu rõ hơn về vấn đề này, các bạn theo dõi phần phân tích dưới đây:

1. Tội phạm là gì?

Căn cứ quy định tại Điều 8 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì khái niệm tội phạm được hiểu như sau:

Tội phạm phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội và phải được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

Như vậy, chỉ có luật hình sự mới có quy định về Tội phạm, tội phạm phải là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội dù là cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến các mối quan hệ được luật Hình sự bảo vệ. Như mối quan hệ về tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, các mối quan hệ về an ninh – quốc phòng,…Chủ thể thực hiện tội phạm có thể là người có năng lực hành vi dân sự và pháp nhân thương mại. Tùy vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội, mà tội phạm được chia làm 4 loại.

2. Phân loại tội phạm

Căn cứ Điều 9 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017, có 4 loại tội phạm:

Một là, Tội phạm ít nghiêm trọng, là loại tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

Hai là, Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;

Ba là, Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;

Bốn là, Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Như vậy, theo Bộ luật Hình sự 2015, Tội phạm được phân làm 4 loại. Căn cứ để phân loại tội phạm dựa trên tính chất nguy hiểm, mức độ gây nguy hiểm cho xã hội và cụ thể hơn, người ta dựa vào khung hình phạt đối với tội đó mà nhìn nhận nó thuộc loại tội phạm nào.

3. Các yếu tố cấu thành tội phạm

Dù là loại tội phạm nào cũng được cấu thành bởi 4 yếu tố bao gồm: Chủ thể, Khách thể, Mặt khách quan và Mặt chủ quan của tội phạm

  • Chủ thể của tội phạm:

Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 đã có thay đổi  vượt bậc hơn Bộ luật hình sự 1999 khi đưa Pháp nhân thương mại trở thành một chủ thể của tội phạm.

Khi các mối quan hệ xã hội dần trở nên phức tạp thì theo đó, các chủ thể của quan hệ pháp luật cũng phải có sự thay đổi cho phù hợp. Vì vậy cho đến thời điểm hiện tại Chủ thể của tội phạm gồm 2 chủ thể: Cá nhân và pháp nhân thương mại.

Đối với chủ thể là cá nhân phải là cá nhân có năng lực trách nhiệm hình sự. Hiện tại pháp luật không có khái niệm nào chỉ năng lực trách nhiệm hình sự của cá nhân tuy nhiên chúng ta có thể định nghĩa như sau: Năng lực trách nhiệm hình sự của cá nhân là khả năng nhận thức của người đó về tính nguy hiểm cho xã hội đối với hành vi của mình.

Theo Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015 thì, Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, năng lực chịu trách nhiệm hình sự của cá nhân còn thể hiện ở độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015.

Đối với chủ thể là Pháp nhân thương mại, Pháp nhân thương mại được quy định tại Điều 74 và Điều 75 Bộ luật hình sự 2015 cụ thể Pháp nhân thương mại vừa phải đảm bảo điều kiện của một pháp nhân là phải được thành lập hợp pháp; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác, tự chịu trách nhiệm bằng chính tài sản của mình và phải nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập vừa phải đáp ứng điều kiện là phải hoạt động vì mục đích lợi nhuận.

  • Khách thể của Tội phạm

Như đã phân tích ở trên, Tội phạm phải xâm phạm vào các mối quan hệ được pháp luật về Hình sự bảo vệ mà căn cứ theo khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự thì các mối quan hệ đó là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa. 

Đó cũng chính là khách thể của Tội phạm.

  • Mặt khách quan của Tội phạm:

Mặt khách quan của tội phạm là những yếu tố phải được thể hiện ra bên ngoài tội phạm. Mặt khách quan của tội phạm bao gồm: hành vi nguy hiểm cho xã hội, thời gian, địa điểm, phương thức phạm tội, phương tiện và công cụ tiến hành tội phạm, hậu quả do hành vi đó gây ra, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Có thể nói mặt khách quan của tội phạm chính là những yếu tố mà chúng ta có thể nhìn thấy được từ hành vi vi phạm pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội của người phạm tội.

  • Mặt chủ quan của tội phạm:

Mặt chủ quan của tội phạm là các yếu tố không được thể hiện ra bên ngoài của hành vi phạm tội. Nó là các yếu tố xuất hiện bên trong hành vi phạm tội như: thái độ tâm lý, động cơ, mục đích của người phạm tội.

Công ty Luật Vilaco

Bài viết cùng chủ đề: