Luật sư cho tôi hỏi: Con trai tôi gây tai nạn chết người. Gia đình tôi đã đến bồi thường cho bên nạn nhân nhưng họ không nhận tiền. Vậy gia đình tôi đưa tiền họ không nhận như vậy thì con trai tôi có được tính tình tiết giảm nhẹ cố gắng khắc phục hậu quả không?
TRẢ LỜI:
Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
- Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ.
Thứ nhất, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là gì và được áp dụng như thế nào?
Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là một trong những căn cứ quan trọng để Tòa án quyết định một mức hình phạt cụ thể đối với người phạm tội. Để có thể quyết định một mức hình phạt phù hợp tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội thì cần hiểu rõ và đảm bảo việc áp dụng mang tính trừng phạt, răn đe nhưng đồng thời mang tính giáo dục, cảm hóa đối với người phạm tội.
Căn cứ theo quy định tại điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 như sau:
“Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;”
Tình tiết này được Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn quy định tại điều 1 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP như sau:
“1. Về tình tiết “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 của BLHS
1.1. Cũng được áp dụng tình tiết “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
c. Bị cáo (không phân biệt là người đã thành niên hay người chưa thành niên) hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận, nếu số tiền, tài sản đó đã được giao cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác quản lý để thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;..”
Mặc dù Nghị quyết này hướng dẫn quy định trong Bộ luật Hình sự 1999, tuy nhiên về nội dung quy định pháp luật vẫn có sự kế thừa trong Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 nên chúng tôi có thể áp dụng căn cứ này. Như vậy, đối với trường hợp này, mặc dù người bị hại từ chối nhận bồi thường thì hành động khắc phục hậu quả của gia định bạn vẫn được xem là một tình tiết giảm nhẹ.