Những thủ đoạn chủ yếu để gian lận thuế xuất nhập khẩu?

Hiện nay khi kinh tế Việt Nam đang không ngừng chuyển động, việc giao thương với các quốc gia khác ngày càng được chú trọng. Bên cạnh việc thúc đẩy xuất khẩu thì vấn đề nhập khẩu cũng rất được quan tâm. Tuy nhiên đi theo đó là tình trạng trốn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ngày càng nhiều khiến các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong vấn đề thanh tra, kiểm tra, cụ thể:

  1. Thủ đoạn chia nhỏ linh kiện, phụ tùng của sản phẩm nguyên chiếc để gian lận giá

Lợi dụng chính sách thuế hiện hành thuế suất đối với linh kiện hoặc nguyên liệu nhập khẩu thấp hơn hàng nguyên chiếc nhập khẩu do vậy thủ đoạn này được thực hiện bằng cách lập nhiều công ty khác nhau hoặc móc nối giữa các công ty với nhau và mỗi công ty nhập khẩu một bộ phận cấu thành của hàng nguyên chiếc về các cửa khẩu khác nhau trong các thời điểm khác nhau để tránh sự kiểm soát của cơ quan Hải quan. Đối với trường hợp hàng hoá là nguyên chiếc có thuế suất thuế nhập khẩu cao hơn thuế suất thuế nhập khẩu của các chi tiết tháo rời thì doanh nghiệp nhập khẩu sẽ tháo rời các chi tiết rời của một sản phẩm, chia nhỏ lô hàng để nhập khẩu làm nhiều chuyến (nhập khẩu các chi tiết, linh kiện rời không đồng bộ trong từng lô hàng nhập khẩu nhưng lại là đồng bộ qua nhiều lô hàng nhập khẩu) để được phân loại theo từng chi tiết linh kiện nhằm gian lận thuế nhập khẩu qua thuế suất…[1]

Ngoài ra, cách thức phổ biến nhất là làm giảm giá trị xe, từ đó giảm giá tính thuế. Các mẫu xe nhập khẩu sẽ bị loại bỏ khá nhiều những trang thiết bị đắt tiền, chẳng hạn nhiều mẫu xe sang chỉ có nội thất đen (không có các tấm ốp vân gỗ), vành đúc, lốp chất lượng thấp,… các thiết bị như cân bằng điện tử, đo áp suất lốp, hệ thống trung hòa khí xả (nhằm đảm bảo cho khí xả đạt tiêu chuẩn EURO 4 trở lên),… cũng bị loại bỏ. Sau khi về Việt Nam, làm thủ tục xong, xe nhập khẩu sẽ được lắp đầy đủ trang thiết bị đúng như thiết kế của nhà sản xuất. Các trang thiết bị này thường được nhập khẩu riêng và có thuế suất thấp. Với cách làm này, giá tính thuế xe nhập khẩu giảm có thể tới trên 15%, qua đó các khoản thuế, phí phải nộp cũng giảm. Sau khi hoàn thiện đầy đủ trang thiết bị, giá lại được đẩy lên.

  1. Ghi sai nhãn hàng hóa

Đối với ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam”, “sản xuất tại Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam”… hoặc trên sản phẩm và/hoặc bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành thể hiện bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở doanh nghiệp, trang web, trung tâm bảo hành tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa hoặc ghi xuất xứ hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài hoặc không thể hiện nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa thì doanh nghiệp thay nhãn mới ghi “Made in Vietnam” hoặc “sản xuất tại Việt Nam” hoặc “xuất xứ Việt Nam”…

Đáng lo ngại, các doanh nghiệp còn lợi dụng văn bản quy phạm pháp luật chưa bắt buộc dán nhãn phụ ngay tại khâu thông quan để nhập khẩu các mặt hàng có thương hiệu nổi tiếng sau đó không dán nhãn phụ theo quy định mà thay đổi nhãn mác, bao bì, tên thương hiệu để tiêu thụ nội địa; nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đã được đăng ký bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; lợi dụng loại hình quá cảnh để vận chuyển hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo xuất xứ Việt Nam.

  1. Giả mạo mục đích xuất khẩu, nhập khẩu để được hưởng ưu đãi thuế

Chứng từ thường hay được các chủ hàng giả mạo với mục đích gian lận thuế thường là các chứng từ nộp thuế (nhằm giải tỏa cưỡng chế thuế của cơ quan hải quan) hoặc các hồ sơ hải quan (để hợp thức hóa các lô hàng nhập lậu). Trong đó, các trường hợp phổ biến là gian lận thuế qua việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư; gian lận thông qua việc lợi dụng hình thức tạm nhập tái xuất… Điển hình nhất là vụ buôn lậu xăng A92 lợi dụng hình thức tạm nhập tái xuất, trị giá ước tính 27 tỷ đồng tại vùng biển Thanh Hoá vào tháng 7/2012; hành vi buôn lậu của Công ty TNHH một thành viên xăng dầu hàng không Việt Nam (Vinapco) dưới hình thức lợi dụng tạm nhập tái xuất xăng dầu qua cửa khẩu đường bộ để buôn lậu 296,6 tấn xăng A92, trị giá khoảng 8 tỷ đồng, số thuế doanh nghiệp gian lận ước tính 2,5 tỷ đồng.

Cũng theo thống kê của Hải quan, trong những năm qua đã có 500 ôtô nhập vào Việt Nam theo hình thức tạm nhập tái xuất nhưng đến nay chỉ có 100 chiếc làm thủ tục xuất và nhập trở lại. Nghĩa là còn 400 chiếc không làm thủ tục xuất và nhập trở lại mà lưu hành trong nội địa gây thất thu số tiền thuế rất lớn cho Nhà nước.