Liên hệ tư vấn pháp luật miễn phí: 097 518 9938
Bà ngoại em có 3 người con gái, mẹ e là cả và 2 dì nữa. Mẹ em đã mất, nay bà có một mảnh đất đứng tên bà em nhưng vì sợ dì hai và dì ba bán đất tổ tiên đi nên muốn nếu bà mất đi thì để lại cho em. Vậy luật sư cho hỏi bà em cần làm giấy tờ gì? Có cần phải đi công chứng không?
Trả lời:
Bà ngoại bạn muốn để lại cho bạn một mảnh đất đứng tên bà khi bà bạn mất. Như vậy, bà bạn cần lập di chúc để thể hiện ý chí của mình nhằm chuyển quyền sử dụng đất của bà sang cho bạn sau khi chết theo quy định tại Khoản 1 Điều 625 BLDS 2015. Cụ thể, điều này quy định: “Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật này có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình”.
Điều 628 BLDS 2015 quy định Di chúc bằng văn bản gồm: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có công chứng; Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Điều 630 BLDS 2015 quy định về di chúc hợp pháp như sau:
“1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng”.
Điều 635 BLDS 2015 quy định di chúc có công chứng hoặc chứng thực: “Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc”.
Căn cứ theo các quy định trên thì di chúc không bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực. Di chúc bằng văn bản có thể công chứng, chứng thực hoặc di chúc không công chứng, chứng thực vẫn có hiệu lực khi đáp ứng đủ điều kiện tại khoản 1 Điều 630 BLDS 2015.
Vì vậy, di chúc bà bạn để lại cho bạn không bắt buộc phải công chứng. Tuy nhiên, nếu muốn di chúc có tính pháp lý cao nhất thì nên mang di chúc đó đi công chứng, chứng thực để tránh tranh chấp về sau.