Cách Luật sư sử dụng vi bằng như thế nào?

Liên hệ dịch vụ: 097 518 9938

Năm 2000 có một cặp vợ chồng sở hữu 120 m2 đất tại quận Tây Hồ, Hà Nội. Do điều kiện cần tiền, hai vợ chồng này đã cắt một nửa và bán 60 m2 và được hai vợ chồng bạn tôi mua lại trước khi đi công tác ở Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.

Do vào thời điểm đó 02 người con của vợ chồng này còn nhỏ, người con gái lớn mới 15 tuổi, người con trai thứ hai mới 11 tuổi, nên khi làm giấy mua bán nhà đất viết tay, vợ chồng bên bán đã đứng ra ký bán. Giấy mua bán nhà đất giữa hai bên có sự làm chứng của hàng xóm của vợ chồng người chủ đất năm đó đã gần 60 tuổi.

Sau nhiều năm, do không sống tại địa bàn và do đặc thù công việc vợ chồng bạn tôi thường xuyên sống ở nước ngoài nên sau khi mua nhà, đất bạn tôi cũng không qua lại để quản lý. Năm 2019 sau nhiều năm công tác ở nước ngoài vợ chồng bạn tôi trở về nước, khi quay lại thửa đất đã mua năm 2000 thì tại đây đã có một ngôi nhà 05 tầng xây trên thửa đất này. Hỏi ra mới biết hai vợ chồng người chủ đất sau khi bán đất cho vợ chồng bạn tôi, năm 2008 hai vợ chồng người chủ đất này không may bị tai nạn mất, người con gái đã lấy chồng đi ở nơi khác, ngôi nhà là của anh con trai người chủ đất xây năm 2017. Sau nhiều lần đến gặp và thương thuyết để lấy lại đất không thành, vợ chồng bạn tôi đã tìm đến tôi – Luật sư để xin tư vấn. Do người làm chứng tuổi cũng đã cao, vợ chồng người bán đã chết không đối chất, không có chữ viết để giám định nên tôi đã tư vấn cho vợ chồng người bạn lập vi bằng để ghi nhận lại lời chứng của 02 người làm chứng vào thời điểm năm 2000, xác định việc mua bán nhà, đất năm 2000 giữa vợ chồng người chủ đất đã mất và vợ chồng bạn tôi là có thật, xác định thửa đất mua bán lúc bấy giờ đúng là thửa đất mà con chủ nhà đang ở để làm chứng cứ phục vụ việc hòa giải và xét xử của tòa án khi cần thiết. Sau khi lập vi bằng, vợ chồng bạn tôi tiến hành khởi kiện đòi nhà đất theo quy định. Thông qua công tác hòa giải tại Tòa, Tòa đã sử dụng vi bằng làm chứng cứ, thuyết phục và hòa giải thành công, con trai người chủ đất đã đồng ý bàn giao lại nhà và đất cho bạn tôi, về phía bạn tôi cũng đã đồng ý hỗ trợ cho họ số tiền đã bỏ ra xây dựng ngôi nhà trên phần đất này vì ngôi nhà cũng mới xây chưa được bao lâu.

Theo quy định tại Nghị định 08/NĐ-CP thì:“Vi bằng do Thừa phát lại lập là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện giao dịch hợp pháp theo quy định của pháp luật”. Hiện nay, nhiều người có những hiểu biết sai về Vi bằng đặc biệt là trong lĩnh vực nhà đất dẫn tới những suy nghĩ sai lệch về giá trị của Vi bằng (cho rằng Vi bằng là công chứng, Vi bằng là chứng nhận của nhà nước …). Bản thân Vi bằng là một chế định tiến bộ, đã tồn tại ở các nước Tư bản từ rất lâu. Vi bằng không hề sai, có chăng cách sử dụng Vi bằng của chúng ta đang chưa thực sự đúng. Cho dù cách diễn đạt, cách hiểu như thế nào thì về bản chất, vi bằng được Thừa phát lại lập chỉ với duy nhất một mục đích: đó là tạo lập chứng cứ để tổ chức, cá nhân tùy nghi sử dụng trong xét xử hoặc các quan hệ pháp lý khác, để đương sự có thể có sự chuẩn bị trước cho trường hợp xấu nhất “tranh chấp xảy ra”. Câu chuyện kể trên chỉ là một trong rất nhiều tình huống pháp lý mà Luật sư, đương sự cũng như người có quyền và lợi ích có thể linh hoạt sử dụng vi bằng để giải quyết vướng mắc giữa các bên một cách nhanh gọn nhất.