Dưới góc độ nghiên cứu pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng những quy phạm pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh của nước ta tiếp cận dưới góc độ là các hành vi tiêu cực cần được ngăn chặn đã được quy định ở Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định số 116/2005/NĐ-CP ngày 15/09/2005 về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh, Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/07/2014 Quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, Nghị định số 110/2005/NĐ-CP ngày 24/08/2005 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, Thông tư số 19/2005/TT-BTM ngày 08/11/2005 hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định số 110/2005/NĐ-CP. Khái niệm hành vi cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam đã tiếp cận gần với quan niệm về chống cạnh tranh không lành mạnh theo Công ước Pari về bảo hộ sở hữu công nghiệp. Ngoài định nghĩa về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Luật Cạnh tranh cũng quy định cụ thể các hành vi cạnh tranh không lành mạnh điển hình làm cơ sở cho việc xác định tính không lành mạnh trong hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong từng lĩnh vực cụ thể. Bên cạnh những quy định trên, các quy định về chống hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong một số lĩnh vực cụ thể như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Quảng cáo, Luật Thương mại…
Đối với lĩnh vực ngân hàng, các quy định về chống hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng của các ngân hàng thương mại được quy định ở Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các Tổ chức tín dụng. Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 quy định về hợp tác và cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng. Theo đó, tổ chức tín dụng được hợp tác và cạnh tranh với nhau. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng bị nghiêm cấm. Luật các Tổ chức tín dụng cũng giao thẩm quyền quy định cụ thể các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng và hình thức xử lý các hành vi này cho Chính phủ; xác định các nguy cơ gây tổn hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng gây ra đối với việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân.