Đối tượng và phạm vi áp dụng pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng

Tùy thuộc vào truyền thống mà các nước có cách tiếp cận/quy định chủ thể thực hiện hoạt động ngân hàng có những tên gọi khác nhau. Ở Trung Quốc có Luật Ngân hàng thương mại, ở Cộng hòa Séc gọi là Luật Ngân hàng, Thái Lan gọi là Luật Ngân hàng thương mại Thái Lan… Ở Mỹ, ngân hàng thương mại “là tổ chức chịu sự điều tiết về luật lệ của một bang hay luật pháp liên bang và thuộc sở hữu của các cổ đông, Ngân hàng này thu thập tiền gửi không kỳ hạn, cấp tín dụng và một số loại dịch vụ tài chính khác. Các cơ quan kiểm soát loại ngân hàng này là cơ quan kiểm soát tiền tệ hoặc là quỹ bảo hiểm tiền gửi Liên bang và hệ thống dự trữ liên bang ở cấp bang hoặc liên bang tùy trường hợp” .

Từ điển Luật học định nghĩa ngân hàng thương mại là “ngân hàng kinh doanh tiền tệ vì mục đích lợi nhuận. Ngân hàng thương mại hoạt động chủ yếu và thường xuyên là nhận tiền gửi của khách hàng để cấp tín dụng và thực hiện nghiệp vụ chiết khấu và làm phương tiện thanh toán. Với tư cách là tổ chức kinh doanh, hoạt động của ngân hàng thương mại dựa trên cơ sở chế độ hoạch toán kinh tế, nhằm mục tiêu lợi nhuận. Ngân hàng thương mại được pháp luật cho phép thực hiện rộng rãi các loại hình nghiệp vụ kinh doanh ngân hàng…”. Luật Ngân hàng Thương mại của Thái Lan hay Liên minh Châu Âu cũng xác định ngân hàng thương mại là tổ chức tín dụng được thực hiện toàn bộ hoạt động ngân hàng. Luật các Tổ chức tín dụng Việt Nam năm 2010 cũng quy định tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng.

Từ những phân tích trên, có thể nhận thấy, đối tượng và phạm vi áp dụng của pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng là các chủ thể được thực hiện các hoạt động ngân hàng, trong đó có ngân hàng thương mại. Các chủ thể này chịu sự điều chỉnh của Luật các Tổ chức tín dụng như cách gọi của Việt Nam hay Luật về ngành tín dụng Đức, Luật về Ngân hàng thương mại như cách gọi của Trung Quốc. Cụ thể là:

– Tổ chức tín dụng;

– Chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại quốc gia sở tại;

– Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập Tổ chức tín dụng, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại quốc gia sở tại, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng;

– Hiệp hội Ngân hàng.

Trong số các chủ thể thuộc đối tượng áp dụng của pháp luật về chống cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng thì ngân hàng thương mại là chủ thể quan trọng nhất vì đây là các chủ thể được thực hiện toàn bộ hoạt động ngân hàng vì mục đích lợi nhuận. Các tổ chức tín dụng không phải là ngân hàng thương mại; chi nhánh, văn phòng đại diện của ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập Tổ chức tín dụng, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại quốc gia sở tại, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng có phạm vi hoạt động ngân hàng hẹp hơn do đặc thù về đối tượng được sử dụng dịch vụ ngân hàng (như tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng hợp tác xã) hoặc phạm vi hoạt động ngân hàng được phép thực hiện (như công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam) nên hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các chủ thể này không phản ánh hết các đặc điểm hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các ngân hàng thương mại.