- Hồ sơ địa chính:
Khái niệm hồ sơ địa chính được quy định tại Điều 96 Luật đất đai 2013nhưng đã được quy định rõ và dễ hiểu hơn tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư 24/2014 BTNMT:
“Hồ sơ địa chính là tập hợp tài liệu thể hiện thông tin chi tiết về hiện trạng và tình trạng pháp lý của việc quản lý, sử dụng các thửa đất, tài sản gắn liền với đất để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai và nhu cầu thông tin của các tổ chức, cá nhân có liên quan”.
Đối với người sử dụng đất, hồ sơ địa chính là tài liệu cung cấp thông tin chính xác thông tin về thửa đất, phục vụ nhu cầu kiểm tra thông tin, thu thập thông tin, tài liệu của người sử dụng đất. Hồ sơ địa chính là tài liệu, chứng cứ rõ ràng đối với những tranh chấp đất đai giải quyết tại Tòa án.
Lưu ý, hồ sơ địa chính được lưu giữ và quản lý tại các cơ quan có thẩm quyền. bao gồm những hồ sơ hiện tại và hồ sơ qua các thời kỳ của thửa đất. Căn cứ và các quy định của pháp luật đất đai, luật tiếp cận thông tin, cá nhân, tổ chức sử dụng đất có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp hồ sơ địa chính.
- Tranh chấp đất đai, đất không có tranh chấp.
Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Nội hàm của khái niệm này khá rộng, chỉ cần tranh chấp phát sinh ít nhất giữa 2 bên, nội dung tranh chấp là về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Bám vào khái niệm này, chúng ta hoàn toàn có thể nhận biết và chứng minh thửa đất đang có tranh chấp là như thế nào.
Cá nhân, tổ chức có nhu cầu muốn mua đất cần phải nắm rõ những quy định này để tránh những thửa đất đang có tranh chấp. Bởi lẽ, Khoản 1 Điều 188 Luật đất đai lại quy định điều kiện để chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất là đất không có tranh chấp. Chúng ta cần tránh lâm vào hoàn cảnh mua đất rồi “bỏ không”.
- Hộ gia đình sử dụng đất.
Chúng ta cần phân biệt, thông thường quyền sử dụng đất được cấp cho cá nhân hoặc hộ gia đình sử dụng. Hộ gia đình ở đây là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Vấn đề ở đây là những người trong hộ gia đình cần phải biết mình là một trong những chủ sử dụng đất nếu là thành viên trong hộ gia đình như quy định ở trên. Việc định đoạt, sử dụng thửa đất cần phải có sự đồng ý của tất cả thành viên trong hộ.
- Bồi thường, hỗ trợ (khi thu hồi đất.)
Đây là những khái niệm liên quan đến việc thu hồi đất.
Bồi thường về đất là việc Nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất thu hồi cho người sử dụng đất. Lưu ý, hiện nay nhiều người còn sử dụng thuật ngữ “đền bù”, tuy nhiên khái niệm này đã không còn được sử dụng từ Luật đất đai 2003.
Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước trợ giúp cho người có đất thu hồi để ổn định đời sống, sản xuất và phát triển.
=> Cần phân biệt bồi thường và hỗ trợ khi thu hồi đất. Bồi thường là việc nhà nước đã gây ra thiệt hại nên phải bồi thường lại cho người sử dụng đất chi phí tương xứng, mang tính nguyên tắc. Còn hỗ trợ là việc nhà nước giúp đỡ người sử dụng đất ổn định sau khi bồi thường, có thể không tương xứng, có thể hỗ trợ nhiều hay ít, mang tính chính sách. Cần phân biệt và hiểu trên thực tế rõ hai khái niệm này, trường hợp nào phải áp dụng bồi thường và trường hợp nào áp dụng việc hỗ trợ.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Khoản 11 Điều 3 Luật đất đai 2013 quy định: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”. Vậy “sổ đỏ”, “sổ hồng” không phải là tài sản mà là chứng thư pháp lý. Nếu “sổ đỏ” không phải là tài sản thì khi bị chiếm giữ có được kiện đòi không?
Bộ luật dân sự chỉ quy định về tài sản chứ không hề nhắc đến chứng thư pháp lý. Vì vậy, chúng ta không thể áp dụng bộ luật dân sự (luật gốc) và bộ luật tố tụng dân sự để khởi kiện đòi sổ đỏ.
Tuy nhiên, vấn đề cũng sẽ đã được giải quyết phần nào theo Hướng dẫn tại Mục 3 Công văn số 141/TANDTC-KHXX ngày 21/9/2011 về việc thẩm quyền giải quyết các yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản. Phương hướng là Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện và hướng dẫn người sử dụng đất đến các cơ quan chức năng giải quyết, hỗ trợ cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cơ quan có chức năng ở đây có thể là Công an, UBND các cấp.