- Em và một số người có mua hàng qua mạng mà bị bạn bán hàng lừa không giao hàng, gọi điện không nghe máy. Tổng số tiền bọn em đã chuyển khoản là khoảng hơn 30tr. Bọn em đã gom được một số bằng chứng như bill, xác nhận chuyển khoản. Vậy bây giờ bước tiếp theo em phải gửi đơn đến đâu? Với số tiền đó thì bên kia bị tội gì?
Cơ sở pháp lý
- Bộ luật dân sự 2015,
- Bộ luật tố tụng dân sự 2015,
- Bộ luật hình sự 2015
Điều 430 BLDS 2015 quy định: “Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.”
Căn cứ Khoản 1 Điều 119 BLDS 2015, giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Việc giao kết hợp đồng thông qua mạng là giao dịch dân sự đã được pháp luật thừa nhận. Như vậy, trong trường hợp bạn và một số người mua hàng đã đặt hàng trên mạng, đã chuyển tiền vào tài khoản người bán và có xác nhận giao dịch như bill, xác nhận chuyển khoản thì được xem là hợp đồng mua bán tài sản đã được xác lập. Hợp đồng này có hiệu lực pháp luật và làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Theo quy định tại Điều 436 BLDS 2015 thì bên bán có nghĩa vụ giao hàng như đã thỏa thuận.
Điều 351 BLDS 2015 quy định về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ như sau: “1. Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền. Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.
- Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
- Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.”
Theo đó, trường hợp bên bán đã nhận tiền nhưng không thực hiện nghĩa vụ giao hàng là vi phạm nghĩa vụ. Theo đó, bên bán phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền: tiếp tục thực hiện nghĩa giao hàng hóa hoặc trả tiền và bồi thường thiệt hại (nếu có).
Ngoài ra, bạn có thể khởi kiện vụ án dân sự theo quy định tại Điều 186 BLTTDS 2015: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”
Căn cứ Khoản 3 Điều 26, Điểm a Khoản 1 Điều 35 và Điểm a Khoản 1 Điều 39 BLTTDS 2015, bạn có quyền gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân quận, huyện nơi bị đơn cư trú. Ngoài ra, các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn giải quyết tranh chấp này.
Ngoài ra, hành vi của người bán hàng cho bạn có dấu hiệu của việc chiếm đoạt tài sản là gọi điện không nghe máy. Bạn có quyền gửi đơn tố giác tội phạm tới Cơ quan có thẩm quyền tại Khoản 2 Điều 145 BLTTHS 2015. Cụ thể, Khoản 2 Điều 145 BLTTHS 2015 quy định như sau: “Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm: a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm”.
Tổng số tiền các bạn đã chuyển khoản là khoảng hơn 30 triệu đồng. Người bán cho bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Khoản 1 Điều 174 BLHS 2015. Cụ thể, Tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định như sau:
“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ”
Như vậy, bạn có thể trình báo ra cơ quan có thẩm quyền nếu như bạn không thể liên lạc với phía bên kia khi mình bị mất tiền. Trong đơn tố giác, bạn cần trình bày rõ nội dung sự việc và gửi kèm các bằng chứng chứng minh là bill và xác nhận chuyển khoản.