Gian lận thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)

Bên cạnh những mặt tích cực mà các doanh nghiệp có vốn đầu tư đem lại thì có rất nhiều trường hợp các doanh nghiệp này sử dụng thủ đoạn tinh vi và khó phát hiện nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp. Với những đặc điểm riêng về nguồn phát sinh thu nhập và nơi cư trú cũng như cũng như những ưu đãi mà nước sở tại giành cho, thì việc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lợi dụng khe hở pháp luật để trốn thuế là điều không thể tránh khỏi.

  • Gian lận thuế thông qua chuyển giá

Chuyển gía được hiểu là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn qua biên giới không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế của các công ty đa quốc gia trên toàn cầu. Như vậy chuyển giá là hành vi nhằm thay đổi giá trị trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong quan hệ với các bên liên kết. Cụ thể của hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như:

-Xác định giá hàng hóa nhập khẩu, lãi tiền cho vay, giá bán công nghệ,…thấp hơn mức giá thị trường chung khiến doanh thu của doanh nghiệp giảm đi.

– Công ty mẹ ở nước ngoài thường phân bổ một phần chi phí cho các công ty con phải chịu khiến các công ty con luôn rơi vào tình trạng thua lỗ dẫn đến không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

-Các công ty mẹ thực hiện bao tiêu sản phẩm nhưng lại định giá bán thấp khiến cho doanh thu giảm, chi phí kê khai luôn tăng khiến tình trạng lỗ ở các công ty con diễn ra thường xuyên.

Thực tế hiện nay, lợi dụng sự thiếu thông tin, thiếu kinh nghiệm của các đối tác tại Việt Nam và cơ quan quản lý, tài sản góp vốn của các nhà đầu tư nước ngoài thường được định giá cao hơn so với giá trị thực của nó. Sau khi góp vốn, nhằm trốn thuế phía nhà đầu tư nước ngòai lại tiếp tục định giá các máy móc thiết bị cũng như hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất cung cấp cho phía Việt Nam cao hơn nhiều giá thị trường. Với hành vi chuyển giá mà các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dễ dàng trốn được thuế, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên các cơ quan chức năng lại khó chứng minh được hành vi gian lận thuế này.

Điển hình nghi ngờ về hành vi chuyển giá ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở nước ta đó là công ty Coca Cola Việt Nam. Từ khi đầu tư vào nước ta năm 1994 đến nay theo số liệu của Cục thuế TP. HCM cho biết Coca Cola lỗ dài trong suốt quá trình đầu tư vào Việt Nam. Tính đến 30/9/2011, Coca Cola đã lỗ lũy kế 3768 tỷ đồng. Nhiều lần Cục thuế TP.HCM đã làm việc với doanh nghiêp này nhưng đại diện công ty vẫn trả lời đã kê khai thuế đầy đủ, chấp hành đúng pháp luật Việt Nam, nguyên nhân lỗ là do thu không đủ bù chi. Công ty giải thích giá nguyên phụ liệu cao do đây là sáng chế lâu đời, bao gồm cả chi phí chất xám. Đã 6-7 năm trở lại đây Cục thuế TP.HCM liệt Coca Cola Việt Nam vào vị trí số một trong danh sách doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá. Báo cáo tài chính của công ty này cũng điều tra kỹ nhưng việc chứng minh doanh nghiệp này có hành vi chuyển giá rất phức tạp vì không có cơ sở so sánh, đối chiếu giá nguyên liệu với doanh nghiệp khác cùng ngành nghề vì nguyên liệu là do công ty mẹ của Coca Cola Việt Nam độc quyền cung cấp.

Đối thủ cạnh tranh của Coca Cola Việt Nam là PepsiCo cũng vướng phải những nghi ngờ về chuyển giá. Từ khi thành lập cho đến năm 2007, PepsiCo liên tục báo thua lỗ, lỗ lũy kế của công ty này tính đến 31/12/2010 là 1206 tỷ đồng.

Có thể thấy, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam dù đã hoạt động rất nhiều năm và có thị phần lớn song số thuế thu nhập doanh nghiệp đống vào ngân sách nhà nước lại vô cùng thấp. Cơ quan thuế cũng có nhiều nghi ngờ về hành vi trốn thuế và điều tra song cũng gần như không mang lại kết quả do hành vi của các doanh nghiệp này rất tinh vi và phần nào do năng lực của các cơ quan chức năng còn yếu kém.

  • Tình trạng chuyển lợi nhuận ra nước ngoài

          Đây cũng là một trong số những hành vi nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các công ty đa quốc gia với nhiều chi nhánh mở ở nhiều quốc gia khác nhau rất thuận lợi để thực hiện hành vi gian lận thuế bằng cách chuyển lợi nhuận ra nước ngoài dựa trên sự chênh lệch về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, các quy định về miễn, giảm thuế giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Hiện nay thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam là 22% ( trừ một số trường hợp đặc biệt) và đã giảm xuống còn 20% vào 1/1/2016. Trong khi đó, tại khu vực châu Á có Đài Loan và Singapo hiện đang là hai nền kinh tế có mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thuộc vào nhóm thất nhất là 17%. Hiện tượng chuyển lợi nhuận ra nước ngoài đã làm ngân sách nhà nước thất thoát nguồn thuế lớn, hi vọng với những cải cách về luật thuế, chính sách giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của nước ta sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn, hạn chế tình trạng chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, từ đó hạn chế những hành vi gian lận về thuế, giúp nguồn thu ngân sách nhà nước không bị thất thoát.