Ông nội tôi là trưởng họ. Trước kia ông có một mảnh đất và ông đã tự bỏ tiền túi ra xây dựng lên nhà thờ họ để thờ cúng tổ tiên. Hàng năm anh em con cháu trong họ vẫn đóng góp, công đức để hương khói và tổ chức giỗ tổ. Nay ông nội đã chết để lại di chúc chia toàn bộ tài sản cho bố mình. Vậy cho mình hỏi phần nhà thờ họ kia có thuộc phần di sản thừa kế của ông nội để lại cho bố mình không? Bố mình có thể sang tên bố mình phần đất xây dựng nhà thờ họ không?
Trả lời:
Điều 612 BLDS 2015 quy định: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”.
Điều 609 quy định về quyền thừa kế như sau: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”.
Trước kia ông nội bạn có một mảnh đất và ông đã tự bỏ tiền túi ra xây dựng lên nhà thờ họ để thờ cúng tổ tiên. Như vậy, mảnh đất và nhà thờ họ được xác định là tài sản của ông nội bạn và khi ông bạn mất, mảnh đất và nhà thờ họ được coi di sản thừa kế. Nay ông nội đã chết để lại di chúc chia toàn bộ tài sản cho bố bạn. Như vậy, phần nhà thờ họ có thuộc phần di sản thừa kế của ông nội để lại cho bố bạn.
Khoản 1 Điều 99 Luật Đất đai 2013 quy định trường hợp sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như sau: “Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho những trường hợp sau đây:
a) Người đang sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại các điều 100, 101 và 102 của Luật này;
b) Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành;
c) Người được chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, được thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; người nhận quyền sử dụng đất khi xử lý hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất để thu hồi nợ;\
d) Người được sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành đối với tranh chấp đất đai; theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án hoặc quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành;
đ) Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất;
e) Người sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;
g) Người mua nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất;
h) Người được Nhà nước thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; người mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;
i) Người sử dụng đất tách thửa, hợp thửa; nhóm người sử dụng đất hoặc các thành viên hộ gia đình, hai vợ chồng, tổ chức sử dụng đất chia tách, hợp nhất quyền sử dụng đất hiện có;
k) Người sử dụng đất đề nghị cấp đổi hoặc cấp lại Giấy chứng nhận bị mất”.
Theo quy định trên, bố bạn có thể làm thủ tục sang tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, di chúc của ông bạn phải đáp ứng được quy định pháp luật về việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất quy định tại điểm c Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013 như sau: “Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự”.