Biện pháp cưỡng chế THADS có những đặc điểm như sau:
Thứ nhất, biện pháp cưỡng chế THADS thể hiện quyền năng đặc biệt của Nhà nước và được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh Nhà nước.
Biện pháp cưỡng chế THADS phải do cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Khi cần thiết phải cưỡng chế THA thì chỉ có CHV đại diện cho cơ quan THADS mới là chủ thể có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế và lựa chọn biện pháp cưỡng chế THADS phù hợp.
Thứ hai, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế THADS phải căn cứ vào nội dung bản án, quyết định của Tòa án; quyết định THA; tính chất, mức độ, nghĩa vụ THA; điều kiện của người phải THA; yêu cầu bằng văn bản của đương sự để lựa chọn việc áp dụng biện pháp cưỡng chế THA.
Thứ ba, chỉ được áp dụng biện pháp cưỡng chế sau khi hết thời hạn tự nguyện THA trừ trường hợp cần ngăn chặn người phải THA có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh nghĩa vụ có thể tiến hành cưỡng chế.
Việc người phải THA tự nguyện THA trước khi người được THA có đơn yêu cầu cơ quan THADS tổ chức THA là thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật và là một cách hành xử văn minh. Tuy vậy, trong những trường hợp người phải THA không tự nguyện, không chủ động thực hiện nghĩa vụ của mình, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế THA được xem là giải pháp cuối cùng và cần thiết buộc người phải THA thực hiện nghĩa vụ THA của họ, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người được THA và thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật trước thái độ không chấp hành án của người phải THA.
Thứ tư, đối tượng của cưỡng chế THADS là tài sản hoặc hành vi của người phải THA và được thực hiện trong trường hợp người phải THA có điều kiện nhưng không tự nguyện thi hành.
Xuất phát từ đặc trưng của THADS là việc tổ chức thi hành phần quyết định của Tòa án hoặc phán quyết của Trọng tài về tài sản hoặc một công việc nhất định nên đối tượng của cưỡng chế THADS cũng là tài sản hoặc một công việc nhất định. Điều này hoàn toàn khác biệt với đặc trưng của THA hình sự là nhằm hạn chế hoặc tước đoạt đi quyền và lợi ích của người bị kết án. Nếu đối tượng của cưỡng chế THA hình sự là quyền tự do thân thể hoặc tính mạng của con người thì các biện pháp cưỡng chế THADS chỉ nhằm mục đích buộc người phải THA thực hiện nghĩa vụ dân sự của mình đối với người được THA.
Thứ năm, bên cạnh nghĩa vụ phải THA, người phải THA còn phải chịu các chi phí phát sinh khi áp dụng cưỡng chế.
Người phải THA có bổn phận thi hành các nghĩa vụ của họ đã được xác định trong bản án, quyết định. Việc người phải THA không tự nguyện thi hành nghĩa vụ THA của họ dẫn tới việc CHV phải áp dụng biện pháp cưỡng chế THA là do lỗi của họ. Do vậy, họ phải có trách nhiệm gánh chịu các phí tổn phát sinh từ việc tổ chức cưỡng chế THA.
Thứ sáu, các biện pháp cưỡng chế THADS không những có hiệu lực với người phải THA mà còn có hiệu lực với cả cá nhân, cơ quan tổ chức có liên quan.
Quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế THADS là quyết định được CHV ban hành nhằm mục đích thi hành các bản án, quyết định nên mọi chủ thể liên quan đến THADS phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định này. Ví dụ, theo quy định tại Điều 78 LTHADS, khi CHV ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế trừ vào thu nhập của người phải THA thì cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi trả thu nhập cho người phải THA cũng phải thực hiện quyết định này. Nếu cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan đến THA không thi hành quyết định này thì phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước.