- Đối với việc áp dụng lãi suất nợ quá hạn đối với khoản nợ gốc quá hạn của Khách hàng.
1.1. Quy định của pháp luật về lãi suất nợ quá hạn.
– Khoản 2 Điều 91 Luật các TCTD năm 2010 quy định: Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
– Điều 357 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền:
- Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
- Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.
– Khoản 2 Điều 11 Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng (Quyết định 1627) quy định : Mức lãi suất áp dụng đối với khoản nợ gốc quá hạn do tổ chức tín dụng ấn định và thoả thuận với khách hàng trong hợp đồng tín dụng nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho vay áp dụng trong thời hạn cho vay đã được ký kết hoặc điều chỉnh trong hợp đồng tín dụng.
– Tại Khoản 4 Điều 1 Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN ngày 03/02/2005 sửa đổi bổ sung Khoản 2 Điều 13 Quyết định 1627 như sau: “2. Đối với khoản nợ vay không trả nợ đúng hạn, được tổ chức tín dụng đánh giá là không có khả năng trả nợ đúng hạn và không chấp thuận cho cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thì số dư nợ gốc của hợp đồng tín dụng đó là nợ quá hạn và tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp để thu hồi nợ; việc phạt chậm trả đối với nợ quá hạn và nợ lãi vốn vay do hai bên thoả thuận trên cơ sở quy định của pháp luật. Tổ chức tín dụng phân loại toàn bộ số dư nợ gốc của khách hàng vay có nợ quá hạn vào tài khoản cho vay thích hợp theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì:
– Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất trong hoạt động cấp tín dụng theo quy định của pháp luật.
– Mức lãi suất áp dụng khoản nợ gốc quá hạn do tổ chức tín dụng ấn định và thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng tín dụng nhưng không vượt quá 150% lãi suất trong thời hạn cho vay đã được ký kết hoặc điều chỉnh theo hợp đồng tín dụng.
– Trong trường hợp khoản vay bị quá hạn thì việc phạt chậm trả đối với nợ quá hạn, nợ lãi vốn vay do hai bên thỏa thuận trên cơ sở quy định của pháp luật.
- Việc áp dụng pháp luật về lãi suất cho vay trong Hợp đồng tín dụng giữa Tổ chức tín dụng và khách hàng.
– Khoản 1 Điều 11 Quyết định 1627 quy định: “Mức lãi suất cho vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước”;
– Khoản 2 Điều 3 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định: Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và các luật khác có liên quan về thành lập, tổ chức, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng thì áp dụng theo quy định của Luật này.
– Khoản 2 Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 như đã trích dẫn tại Mục 1 thì TCTD và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Như vậy, từ thời điểm Luật các TCTD 2010 có hiệu lực thì đã tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để TCTD được thỏa thuận lãi suất với Khách hàng mà không chịu ràng buộc về các quy định lãi suất đối với hợp đồng vay có lãi theo quy định của BLDS 2015. Theo BLDS 2015 cũng quy định việc thỏa thuận lãi suất cho vay tại Hợp đồng vay tài sản do các bên thỏa thuận theo quy định tại Điều 468 trừ trường hợp luật khác có quy định khác, có nghĩa cũng loại trừ trường hợp Luật các TCTD 2010 có quy định khác thì sẽ áp dụng theo Luật các TCTD 2010.
Tiếp đó là Thông tư số 39/2014/TT-NHNN cũng quy định TCTD và khách hàng được thỏa thuận lãi suất cho vay, trừ trường hợp NHNN có quy định về lãi suất cho vay tối đa (Khoản 1 Điều 13).
– Tại điểm 3 Mục III Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/04/2017 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ (Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC) có quy định trường hợp lãi suất cho vay trong hợp đồng tín dụng cao hơn 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước công bố thì lãi suất của Hợp đồng vay được thực hiện theo thỏa thuận mà không theo quy định tại BLDS.
Như vậy, theo quy định của pháp luật nêu trên và các văn bản hướng dẫn của TANDTC có liên quan thì: Lãi suất cho vay trong quan hệ Hợp đồng tín dụng giữa Tổ chức tín dụng và khách hàng được điều chỉnh bởi Luật tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Tuy nhiên, trên thực tế khi giải quyết các vụ án tại các Tòa án hiện nay vẫn có còn có các quan điểm khác nhau liên quan đến khoản tiền lãi phạt chậm trả lãi và có một số Tòa có quan điểm không chấp nhận khoản lãi này. Do vậy, VILACO khuyến nghị Quý Khách hàng có thể tham khảo các lập luận và quy định pháp luật nêu trên để đối đáp lại các ý kiến của Tòa án tại phiên tòa sơ thẩm. Việc chấp nhận hay không chấp nhận áp dụng Lãi phạt chậm trả theo nội dung của Hợp đồng tín dụng/Hợp đồng vay phụ thuộc vào quyết định của Hội đồng xét xử. Trong trường hợp thấy nội dung Bản án chưa phù hợp với các tình tiết, nội dung trong vụ án, Đơn vị có thể thực hiện việc kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm theo thủ tục tố tụng.
Trên đây là nội dung tư vấn về mặt nguyên tắc của VILACO. Để được tư vấn, lắng nghe ý kiến tư vấn chính xác nhất và mới nhất từ các Luật sư vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 0974 451 886.