Biện pháp thuế chống bán phá giá và biện pháp thuế đối kháng đều được gọi chung là biện pháp “khắc phục thương mại”. Chính vì vậy chúng có những điểm khá giống nhau về mặt bản chất. Tuy nhiên, do hai biện pháp này hướng tới “khắc phục” những “sự kiện” thương mại kháng nhau nên dẫn tới cả hai biện pháp này cũng có nhưng điểm khác nhau đáng kể.
– Điểm giống nhau:
- Về bản chất và mục đích áp dụng: Thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng đều là những biện pháp để đối phó với hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không công bằng của hàng hóa nhập khẩu.
- Về kết quả: Việc áp dụng cả hai biện pháp này đều dẫn đến một kết quả là hạn chế số lượng hàng hóa nhập khẩu vào một quốc gia.
- Về nguyên tắc áp dụng: Để chống lại hành vi cạnh tranh không lành mạnh của bên cung cấp hàng hóa nước ngoài thì nước nhập khẩu đều chỉ được đánh thuế chống bán phá giá hay thuế đối kháng vào hàng hóa của nước có hành vi cạnh tranh không lành mạnh chứ không được đánh với tất cả các nước như biện pháp tự vệ.
- Về điều kiện áp dụng: Đều chỉ được sử dụng khi có thiệt hại đối với ngành công nghiệp trong nước. Ðiều 3 Hiệp định Chống phá giá (xem Hộp 20) và Ðiều 5 Hiệp định về Trợ cấp và biện pháp đối kháng đưa ra nguyên tắc cơ bản là thuế đối kháng và thuế chống phá giá chỉ được áp dụng nếu qua điều tra khẳng định được rằng có sự việc bán phá giá hoặc việc có sự gia tăng đáng kể hàng hóa phải gây thiệt hại cho ngành công nghiệp trong nước hoặc đe dọa gây thiệt hại cho ngành công nghiệp đó của nước nhập khẩu. Nghĩa là không được áp thuế đơn giản chỉ vì hàng hoá đó bán phá giá hay được trợ cấp. Do đó nước nhập khẩu phải xác định được bằng chứng thông qua việc điều tra chứng minh rằng nhập khẩu tăng đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất nội địa của mình. Điều này dẫn đến việc muốn áp dụng bất kỳ loại thuế nào trong hai loại thuế trên đều phải qua quá trình điều tra.
- Về thời gian áp dụng thuế: Căn cứ vào điều 21.3, hiệp định SCM và điều 11.1, hiệp định ADA thì cơ bản thời gian áp dụng cả hai loại thuế trên đều là không quá 5 năm, trừ trường hơp có cơ sở xác đáng nếu chấm dứt đánh thuế thì trợ cấp hoặc phá giá vẫn tiếp tục gây thiệt hại cho sản xuất trong nước hoặc có thể xuất hiện trở lại.
- Về thủ tục điều tra:
- Cơ sở tiến hành thủ tục điều tra bán phá giá và trợ cấp đều là có đơn khởi kiện.
- Chủ thể có quyền khởi kiện yêu cầu áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng đều là:
+ Ngành sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu (hoặc đại diện của ngành); hoặc
+ Cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu;
- Đều là một loại thuế suất nhập khẩu bổ sung. Nghĩa là chúng đều là một mức thuế được đánh thêm ngoài thuế xuất nhập khẩu thông thường.
- Đều chỉ áp dụng với hàng hóa chứ không áp dụng cho dịch vụ hay đầu tư Quốc tế.
– Khác nhau:
- Về điều kiện áp thuế: Ngoài điều kiện chung giống nhau như đã nêu ở trên thì đối với thuế chống bán phá giá thì điều kiện riêng là phải có hiện tượng bán phá giá (với biên độ phá giá trên 2%) và đối với thuế đối kháng là có hiện tượng hàng hoá nhập khẩu được trợ cấp (với biên độ trợ cấp không thấp hơn 1%)
- Về mức thuế: Mức thuế chống bán phá giá được xác định theo biên độ phá giá còn mức thuế chống trợ cấp được tính riêng cho từng nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài và được xác định theo biên độ trợ cấp xác định cho họ.
- Về mục đích: Biện pháp thuế chống bán phá giá là để đối phó với hành vi bán sản phẩm với giá thấp nhằm chiếm lĩnh thị trường và tiến tới loại bỏ dần các đối thủ cạnh tranh, còn biện pháp thuế đối kháng được áp dụng để loại bỏ tác động tiêu cực gây ra cho ngành sản xuất hàng hóa trong nước xuất phát từ các chính sách trợ cấp của chính phủ nước xuất khẩu.
Trên đây là những phân tích của Công ty Luật Vilaco, Anh/chị nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý xin vui lòng liên hệ trực tiếp đến Hotline để được tư vấn chi tiết và hỗ trợ tốt nhất. Trân trọng cảm ơn!
Xem thêm: