Bố mẹ có được thay con gái yêu cầu Tòa án ly hôn không?

Mình có người chị họ đã lấy chồng được 3 năm, hiện tại có 1 bé gái năm nay 2 tuổi. Chị mình do trước kia bị va chạm vào đầu nên bị tụ máu, nên thần kinh không ổn định. Khoảng 1 năm trở lại đây chồng và gia đình chồng đối xử lạnh nhạt, không chăm sóc, cho ăn uống tạm bợ, có lần chị ấy bị giật sùi bọt mép cũng không đưa chị ấy đi khám… Tôi muốn hỏi luật sư trong trường hợp này thì pháp luật có thể can thiệp như thế nào? Bố mẹ của chị có thể yêu cầu ly hôn để nhận về nhà chăm sóc không?

TRẢ LỜI:

Cơ sở pháp lý:

  • Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
  • Bộ luật Dân sự 2015.

Căn cứ theo quy định tại điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

  1. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.”

Như vậy, đối với trường hợp của chị họ bạn để xác định chị bạn mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì căn cứ vào điều 23 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

Điều 23. Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi

  1. Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.”

Do đó, cần phải có kết luận giám định y khoa về mức độ khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi, từ đó Tòa án dựa vào kết luận và quyết định tuyên bố người này có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

Theo thông tin bạn chia sẻ thì chị bạn bị va chạm và có thương tật ở vùng đầu dẫn đến hiện tượng tụ máu trong não, khiến cho thần kinh không ổn định do đó cần có kết luận giám định của trung tâm y khoa về tỷ lệ thương tật và Tòa án sẽ căn cứ để tuyên bố chị bạn có phải người có khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi hay không.

Tuy nhiên căn cứ vào điều kiện đồng thời để cha, mẹ đẻ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn đó là: “…đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ”.

Như vậy, nếu chị họ bạn bị chồng bạo lực gia đình dẫn đến tình trạng tổn hại sức khỏe, tinh thần nghiêm trọng và phải có căn cứ chứng minh trước Tòa thì cha, mẹ đẻ của chị bạn mới có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu ly hôn trong trường hợp này.

Tóm lại, trường hợp của chị bạn cần kết hợp đồng thời hai yếu tố: là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng gây ra khiến tổn hại sức khỏe,…nghiêm trọng thì cha mẹ đẻ mới có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết đơn xin ly hôn.