Xác nhận cha mẹ con theo Luật 2023

Câu hỏi: Tôi và vợ hiện tại của tôi có một đứa con chung. Nhưng tại thời điểm cháu được sinh ra vợ hiện tại của tôi đang trong mối quan hệ vợ chồng với một người khác. Khi đó cháu mang họ của người kia, không phải họ của tôi. Vợ tôi và người chồng trước đã ly hôn, hiện tại người chồng trước của vợ tôi đã chết. Đến nay, khi chúng tôi tác hợp thành vợ chồng, tôi muốn thực hiện thủ tục xin nhận cha con và đổi họ cho con tôi. Kính nhờ Luật sư tư vấn và giúp đỡ!

Trả lời:

Đối với yêu cầu của khách hàng, chúng tôi xin được tư vấn như sau: 

Để xác nhận mối quan hệ cha mẹ con nhằm mục đích xác định quan hệ huyết thống được pháp luật công nhận để đổi họ cho con phải thực hiện theo 02 bước như sau:

Bước 1: Xác nhận cha mẹ con tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền

Bước 2: Đăng ký khai sinh mới cho con

          Tại thời điểm đứa bé được sinh ra, đứa bé được xác định là con chung của người mẹ với người chồng trước, bởi tại thời điểm đó, quan hệ vợ chồng vẫn được xác lập. Chỉ có người cha và người mẹ đó của đứa bé mới được quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc xác nhận quan hệ cha, mẹ, con. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, người cha đã chết, do đó, căn cứ theo quy định tại Điều 101, Điều 102 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì Tòa án nhân dân là cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc xin xác nhận cha, mẹ, con trong trường hợp này và người thân thích của người này (tức là người mẹ) có quyền yêu cầu Tòa án xác nhận cha, mẹ, con cho con của mình.

           Căn cứ quy định tại khoản 4, Điều 35, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam liên quan đến vấn đề về nhận cha, mẹ, con sẽ là cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

          Căn cứ Điều 14 Thông tư số 04/2020/TT-BTP về chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con.

Điều 14. Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con

Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

2. Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.”

Như vậy, điều kiện kiên quyết khi thực hiện việc xác nhận cha mẹ con đó là phải có văn bản giám định AND để xác nhận quan hệ huyết thống hoặc phải có văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ.

Những giấy tờ cần chuẩn bị:

          – Bản sao Quyết định ly hôn của Tòa án giữa người vợ và người chồng trước;

          – Bản sao Giấy chứng tử của người chồng trước;

          – Xác nhận cư trú của người chồng hiện tại, người mẹ, người con;

          – Bản sao Căn cước công dân của người chồng hiện tại, người mẹ, người con;

          – Văn bản giám định AND;

          – Đơn đề nghị xác nhận cha, mẹ, con theo mẫu

Trình tự, thủ tục:

          Người có đơn yêu cầu trực tiếp nộp hồ sơ gồm các giấy tờ nói trên tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết. Sau khi Tòa án giải quyết xong, người yêu cầu được quyền ra Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để làm lại giấy khai sinh đổi họ và tên (nếu có).

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào khác liên quan đến Xác nhận cha mẹ con, vui lòng gọi đến số hotline trên màn hình để Luật sư trực tiếp trao đổi và tư vấn. Trân trọng.