Chồng bị hôn mê nhiều ngày vợ có được đại diện cho chồng không?

Chào luật sư: Chồng tôi bị tai nạn nay nằm hôn mê đã hơn 1 tháng, công ty cũ của chồng yêu cầu chấm dứt hợp đồng lao động với chồng tôi và tôi cũng đồng ý. Tuy nhiên tôi muốn hỏi: chồng tôi bị hôn mê như vậy, không đi lại được ko biết gì cả vậy ai sẽ là người thay chồng tôi đi làm các thủ tục chấm dứt hợp đồng với công ty. Ngoài ra, tôi có được đại diện cho chồng tôi tham gia phiên tòa đòi bồi thường do người gây tai nạn kia gây ra không? Mong được giải đáp sớm!

Chào bạn, dựa vào những thông tin bạn cung cấp, chuyên viên chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý:

– Luật Dân sự 2015

–  Luật Tố tụng Dân sự 2015

Theo quy định về người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi theo khoản 1 điều 23 Luật Dân sự 2015:

“1. Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ..”

Như vậy có thể xác định được chồng bạn lâm vào tình trạng hôn mê dài ngày thì có thể thuộc trường hợp bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự. Do đó, để bảo vệ chồng bạn trong các quan hệ pháp luật được xác lập trước đó như: quan hệ lao động, quan hệ bồi thường thiệt hại…. bạn có thể yêu cầu toà án tuyên bố chồng bạn có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi khi đó toà án sẽ căn cứ thực tế để chỉ định người giám hộ cho chồng bạn xác định theo khoản 4 điều 54, khoản 1 điều 53 và khoản 2 Điều 136 Luật Dân sự 2015 :

“Điều 54. Cử, chỉ định người giám hộ

4. Trừ trường hợp áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này, người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi do Tòa án chỉ định trong số những người giám hộ quy định tại Điều 53 của Bộ luật này. Trường hợp không có người giám hộ theo quy định trên, Tòa án chỉ định người giám hộ hoặc đề nghị một pháp nhân thực hiện việc giám hộ.

Điều 53 Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự

1. Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.

Điều 136. Đại diện theo pháp luật của cá nhân

2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.

Vậy nên bạn sẽ là người đại diện theo pháp luật của chồng bạn và cùng là người đại diện trong tố tụng dân sự và thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện  theo khoản 1 điều 85 Luật Tố tụng Dân sự 2015:

“Điều 85. Người đại diện

1. Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự.”

Vậy từ những phân tích trên có thể kết luận rằng, trong trường hợp chồng bạn thực sự bị mất năng lực hành vi dân sự và được Tòa án ra quyết định kết luận thì bạn đương nhiên là người đại diện hợp pháp cho chồng bạn, khi đó bạn hoàn toàn có quyền để đại diện cho chồng mình giải quyết các mối quan hệ pháp luật. 

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi, trân trọng gửi bạn đọc tham khảo!