Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ

Biện pháp kê biên, xử lý tài sản của người phải THA là một trong các bện pháp cưỡng chế THADS, được áp dụng trong trường hợp người phải THA phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo bản án, quyết định, người THA chỉ có tài sản và không tự nguyện THA. Đối tượng của biện pháp này là tài sản bao gồm: tài sản là vật, vốn gốp, nhà ở, tài sản gắn liền với đất, phương tiện giao thông, hoa lợi, quyền sở hữu trí tuệ và quyền sử dụng đất.

* Kê biên tài sản là quyền sở hữu trí tuệ

Theo Luật sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ gồm quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp. CHV ra quyết định kê biên quyền sở hữu trí tuệ thuộc quyền sở hữu của người phải THA. Trường hợp người phải THA là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ chuyển quyền sử dụng quyền sở hữu trí tuệ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì quyền sở hữu trí tuệ vẫn bị kê biên. Khi kê biên quyền sở hữu trí tuệ của người phải THA, tùy từng đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, CHV thu giữ các giấy tờ có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ của người phải THA (Điều 84 LTHADS).

* Kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm

Trước khi kê biên CHV phải yêu cầu cơ quan đăng ký cung cấp thông tin về tài sản, giao dịch như: xác minh chủ sở hữu tài sản, tài sản có bị cầm cố, thế chấp không… Sau khi đã thực hiện xong việc kê biên tài sản, CHV phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm về việc kê biên đó để các cơ quan này xử lý theo quy định như: tạm dừng hoặc dừng việc thực hiện các yêu cầu liên quan đến các giao dịch đối với tài sản của người phải THA đăng ký tại cơ quan đăng ký tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm (Điều 89, khoản 1 Điều 178 LTHADS).

* Kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp

Tài sản của người phải THA đang cầm cố, thế chấp cho người khác để bảo đảm cho khoản vay nhất định và người nhận cầm cố, thế chấp được ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản. Theo khoản 1, khoản 2 Điều 90 LTHADS, trường hợp người phải THA không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để THA, CHV có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải THA đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế THA. Khi kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp, CHV phải thông báo ngay cho người nhận cầm cố, nhận thế chấp.

Khi xử lý tài sản cầm cố, thế chấp, thứ tự thanh toán được thực hiện như sau: Trường hợp bên nhận cầm cố, thế chấp là bên được THA hoặc trường hợp bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể thì thanh toán các chi phí xử lý tài sản, khoản tiền trích lại để người phải THA thuê nhà trong một năm nếu nhà ở bị kê biên là nhà ở duy nhất của người phải THA trước, sau đó ưu tiên thanh toán cho bên nhận cầm cố, thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ được bảo đảm. Nếu bên nhận cầm cố, thế chấp không phải là người được THA thì người nhận cầm cố, thế chấp được ưu tiên thanh toán trước khi thanh toán các khoản vừa nêu.

Trường hợp tài sản đang cầm cố, thế chấp không thỏa mãn điều kiện kê biên thì CHV thông báo bằng văn bản cho người nhận cầm cố, thế chấp biết nghĩa vụ của người phải THA, yêu cầu người nhận cầm cố, thế chấp phải thông báo cho cơ quan THA khi người phải THA thanh toán hết nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc khi xử lý tài sản cầm cố, thế chấp theo quy định tại khoản 3 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.

* Kê biên vốn góp của người phải THA

Theo quy định tại Điều 92 LTHADS, CHV yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức nơi người phải THA có vốn góp cung cấp thông tin về phần vốn góp như: đã hoàn tất các thủ tục góp vốn hay chưa, tài sản góp vốn là gì, tỉ lệ vốn góp… của người phải THA để kê biên phần vốn góp đó. Trong trường hợp cần thiết CHV có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định phần vốn góp của người phải THA; trưng cầu tổ chức, cá nhân có chuyên môn xác định phần giá trị vốn góp của người phải THA để cưỡng chế THA.

* Kê biên đồ vật bị khóa, đóng gói

Theo quy định tại Điều 93 LTHADS, khi kê biên đồ vật đang bị khóa hoặc đóng gói, CHV phải yêu cầu người phải THA, người đang sử dụng, quản lý đồ vật mở khóa, mở gói. Nếu người phải THA cố tình vắng mặt hoặc có mặt nhưng không thực hiện mở khóa, mở gói thì CHV lập biên bản sau đó tự mình hoặc có thể thuê cá nhân, tổ chức khác mở khoá, phá khóa hoặc mở gói, tuy nhiên phải có người làm chứng. Các chi phí phát sinh, các thiệt hại do việc mở khóa, phá khóa, mở gói do người phải THA chịu. Việc mở khóa, phá khóa, mở gói hoặc niêm phong phải lập biên bản, có chữ ký của những người tham gia và người làm chứng. Nếu sau khi mở khóa, phá khóa, mở gói người phải THA không nhận lại tài sản thì CHV tiến hành niêm phong tài sản đó và giao bảo quản theo quy định pháp luật.

* Kê biên tài sản gắn liền với đất

Đối với các tài sản là công trình xây dựng gắn liền với đất thì khi thực hiện kê biên phải kê biên cả quyền sử dụng đất, trừ trường hợp quyền sử dụng đất không được kê biên theo quy định của pháp luật hoặc việc tách rời tài sản kê biên và đất không làm giảm đáng kể giá trị tài sản đó (Điều 94 LTHADS).

* Kê biên tài sản là nhà ở

Quy định tại Điều 95 LTHADS, kê biên, xử lý tài sản là nhà ở ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người phải THA do vậy chỉ áp dụng kê biên nhà ở là nơi ở duy nhất của người phải THA và gia đình khi thuộc các trường hợp: Người phải THA chỉ có nhà ở là tài sản duy nhất ngoài ra không có các tài sản khác; Có các tài sản khác nhưng các tài sản có giá trị nhỏ không đủ để THA hoặc người phải THA đồng ý kê biên nhà ở của mình để thực hiện nghĩa vụ THA.

Khi kê biên nhà ở thì phải kê biên cả quyền sử dụng đất gắn liền với nhà ở đó. Nếu nhà ở của người phải THA nhưng được xây dựng trên đất của người khác thì CHV chỉ áp dụng biện pháp kê biên kê biên khi người có quyền sử dụng đất đồng ý cho kê biên cả quyền sử dụng đất hoặc việc tách rời nhà ở và đất đó không ảnh hưởng đến giá trị căn nhà. Trường hợp người có quyền sử dụng đất không đồng ý thì chỉ kê biên nhà ở của người phải THA, nếu việc tách rời nhà ở và đất không làm giảm đáng kể giá trị căn nhà. Tùy từng trường hợp cụ thể CHV có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác như: khai thác tài sản…

Đối với nhà mà người phải THA đang cho người khác thuê hoặc ở nhờ: khi kê biên CHV thông báo ngay cho người đang thuê, đang ở nhờ biết. Trường hợp nhà ở đang cho thuê, ở nhờ được bán đấu giá mà thời hạn thuê hoặc thời hạn lưu cư vẫn còn thì người thuê có quyền tiếp tục được thuê hoặc lưu cư theo thời hạn trong hợp đồng cho thuê.

* Kê biên tài sản là phương tiện giao thông

Theo quy định tại Điều 96 LTHADS, đối với tài sản là các phương tiện giao thông thông thường thì khi kê biên CHV yêu cầu người phải THA, người đang quản lý, sử dụng phương tiện đó phải giao giấy đăng ký phương tiện đó (nếu có) cho cơ quan THA. Nếu họ không giao hoặc giấy tờ đó không còn thì CHV vẫn tiến hành kê biên. Khi kê biên phương tiện giao thông, tùy từng trường hợp và từng loại phương tiện cụ thể, CHV có thể thu giữ các phương tiện đó hoặc tiếp tục giao cho người phải THA, người đang quản lý, sử dụng tiếp tục sử dụng và cấp cho họ biên bản thu giữ giấy đăng ký để tiếp tục tham gia giao thông. Phương tiện giao thông đó bị cấm chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, cho thuê hoặc hạn chế giao thông.

Đối với các phương tiện giao thông như tàu bay, tàu biển thì việc kê biên thực hiện theo quy định của pháp luật về bắt giữ tàu bay, tàu biển.

* Kê biên tài sản là hoa lợi

CHV có thể áp dụng biện pháp kê biên hoa lợi trong trường hợp người phải THA có tài sản mang lại hoa lợi để bảo đảm THA (Điều 97 LTHADS). Trường hợp hoa lợi bị kê biên là lương thực, thực phẩm của người phải THA thì khi kê biên, CHV phải trích lại một phần hợp lý bảo đảm cuộc sống cho người phải THA và gia đình của họ.