Không đồng ý với bản án phúc thẩm thì phải làm thế nào?

Đối với bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay. Vậy nếu bị đơn không đồng ý với những tình tiết chưa rõ trong vụ án thì phải làm như thế nào?

  • Căn cứ pháp lý:

Bộ luật tố tụng dân sự 2015

  • Giải đáp:

Theo điều 17, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:

1. Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm.

Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này.

Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong thời hạn do Bộ luật này quy định thì có hiệu lực pháp luật. Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật.

2. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của Bộ luật này thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Như vậy, Tòa án sẽ giải quyết vụ việc theo hai cấp đó là cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm (trong trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị). Đối với bản án, quyết định phúc thẩm bị đơn sẽ không có quyền kháng cáo bởi đó là bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật kể từ lúc được tuyên bố.

Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc bản án, quyết định đã có hiệu lực của pháp luật có điểm không đúng đắn. Vì vậy, để đảm bảo tính pháp chế xã hội chủ nghĩa trong công tác xét xử của tòa án, bảo đảm được việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự thì những bản án, quyết định có sai lầm, mặc dù đã có hiệu lực pháp luật vẫn phải được kháng nghị để xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Theo đó, người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định tại Điều 331, Điều 354 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 bao gồm:

“Điều 331. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

  1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
  2. Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ”

“Điều 354. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

  1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
  2. Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

…”

Như vậy, để đảm bảo tính ổn định của bản án, quyết định và nâng cao trách nhiệm của những người có thẩm quyền trong việc kiểm sát, giám đốc việc xét xử chỉ có những người có thẩm quyền mới có quyền kháng nghị yêu cầu Tòa án xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Vì vậy, trong trường hợp này, bị đơn cần thu thập các tình tiết được coi là căn cứ kháng nghị hoặc những sai lầm, vi phạm pháp luật của tòa án đã giải quyết vụ án sau đó làm đơn khiếu nại cho những người có thẩm quyền nêu trên đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm để họ xem xét và quyết định có kháng nghị hay không.