Sơ thẩm thắng kiện nhưng phúc thẩm lại bị xử thua thì làm thế nào?

Nhà em đang tham gia một vụ án tranh chấp đất đai. Sơ thẩm nhà e đã thắng nhưng phúc thẩm lại bị Tòa lật ngược lại toàn bộ. Vậy cho em hỏi nếu em muốn giám đốc thẩm thì phải làm thế nào ạ? Xin cảm ơn

TRẢ LỜI:

Cơ sở pháp lý:

  • Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015

Thứ nhất, căn cứ kháng nghị Giám đốc thẩm vụ việc tranh chấp đất đai?

Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì hiện nay chỉ có hai cấp xét xử là sơ thẩm và phúc thẩm, bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay sau khi Hội đồng xét xử tuyên. Tuy nhiên, bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Nếu trong trường hợp của bạn, bạn thấy rằng quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm không đúng, có thể có sự vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết sự việc của bạn thì bạn có thể được giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm.

Căn cứ theo quy định tại điều 326 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 như sau:

Điều 326. Căn cứ, điều kiện để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

1. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:

a) Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;

b) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;

c) Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.”

Như vậy, nếu bạn đủ căn cứ để chứng minh tại phiên tòa xét xử phúc thẩm Tòa án vi phạm một trong ba căn cứ nêu trên làm ảnh hưởng đến quyết định, bản án đã có hiệu lực pháp luật thì gia đình bạn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét thực hiện thủ tục kháng nghị Giám đốc thẩm.

Thứ hai, Thẩm quyền kháng nghị Giám đốc thẩm vụ án dân sự về tranh chấp đất đai

Căn cứ theo quy định tại điều 331 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 như sau:

Điều 331. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

  1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
  2. Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.”

Như vậy, đối với trường hợp của bạn về vụ việc giải quyết tranh chấp đất đai thì bạn không đồng ý với quyết định, bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp Tỉnh cho nên bạn có quyền làm đơn đề nghị, yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao hoặc Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao thực hiện thủ tục kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ nơi mà Tòa án cấp tỉnh đã giải quyết phúc thẩm vụ án tranh chấp đất đai của gia đình bạn. Tuy nhiên người có thẩm quyền kháng nghị Giám đốc thẩm trên đây phải dựa trên căn cứ cho rằng bản án, quyết định này cần được xem xét lại về mặt nội dung.

Thứ ba, thủ tục nộp và giải quyết đơn xem xét Kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 328. Đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì đối với trường hợp của bạn là cá nhân có yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm bản án đã có hiệu lực pháp luật thì bạn sẽ làm đơn đề nghị gửi đến Tòa án và Viện kiểm sát cấp cao để chuyển đến Chánh án và Viện trưởng. Trong đơn bạn cần chuẩn bị các hồ sơ, giấy tờ cùng tài liệu chứng minh cho yêu cầu kháng nghị (kèm theo) theo quy định tại khoản 1 điều 328 BỘ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Bạn có thể nộp đơn trực tiếp tại Tòa án nhân dân cấp cao hoặc Viện kiểm sát nhân dân cấp cao hoặc là theo phương thức chuyển qua đường bưu điện.

Về phía bên cơ quan nhận đơn đề nghị của bạn sẽ giải quyết theo các trường hợp sau:

  • TA, VKS nhận đơn (nếu đủ điều kiện và căn cứ)
  • TA, VKS yêu cầu bổ sung, chỉnh sửa (nếu thiếu)
  • TA, VKS trả lại đơn, và nêu rõ lý (nếu không đáp ứng đủ các căn cứ và điều kiện được quy định).

Bước cuối, Chánh án, Viện trưởng phân công người có trách nhiệm tiến hành nghiên cứu hồ sơ, tài liệu mà bạn đã gửi đến và đưa ra quyết định kháng nghị hoặc không kháng nghị (dựa trên kết quả của bước cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, đánh giá hồ sơ, tài liệu chứng minh về yêu cầu kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm).

Trên đây là những tư vấn của công ty chúng tôi về Trình tự, thủ tục, yêu cầu và Thẩm quyền kháng nghị Giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, mong sẽ hữu ích với bạn đọc.