Thay đổi chủ thể vay trong trường hợp một trong những người cùng vay chết
Trả lời:
1.1. Quy định liên quan đến nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng:
– Điều 37 Luật HN&GĐ 2014 quy định về nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng:
“Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:
- Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
- Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
- Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
- Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
- Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
- Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan”.
– Khoản 1 Điều 466 BLDS 2015 quy định nghĩa vụ trả nợ của bên vay: “Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
– Khoản 1 Điều 288 BLDS 2015 quy định: “Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ”.
Như vậy, theo quy định pháp luật nêu trên thì:
– Vợ, chồng có nghĩa vụ chung phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập.
– Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do 2 vợ chồng phải thực hiện là nghĩa vụ liên đớivà bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
1.2. Quy định liên quan đến chứng thực văn bản phân chia tài sản thừa kế :
– Điểm c, d, khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định: Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự; Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
– Khoản 6 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ quy định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (Nghị định 23) quy định: Việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền của người sử dụng đất được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất.
– Khoản 3 Điều 36 Nghị định 23 quy định: Các bên tham gia hợp đồng, giao dịch phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực. Trường hợp người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã đăng ký chữ ký mẫu tại cơ quan thực hiện chứng thực thì có thể ký trước vào hợp đồng; người thực hiện chứng thực phải đối chiếu chữ ký của họ trong hợp đồng với chữ ký mẫu trước khi thực hiện chứng thực, nếu nghi ngờ chữ ký trong hợp đồng khác với chữ ký mẫu thì yêu cầu người đó ký trước mặt.
Trường hợp người yêu cầu chứng thực không ký được thì phải điểm chỉ; nếu người đó không đọc được, không nghe được, không ký, không điểm chỉ được thì phải có 02 (hai) người làm chứng. Người làm chứng phải có đủ năng lực hành vi dân sự và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch.
Như vậy, theo quy định pháp luật: (i) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự; (ii) Việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến quyền của người sử dụng đất được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất; (iii) Các bên tham gia hợp đồng, giao dịch phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực. Trường hợp người yêu cầu chứng thực không ký được thì phải điểm chỉ.
1.3. Quy định liên quan đến đăng ký giao dịch bảo đảm khi thay đổi chủ thể Bên bảo đảm:
– Khoản 1 Điều 18 Nghị định 120/2018/NĐ-CP ngày 01/9/2017 về đăng ký biện pháp bảo đảm (Nghị định 102) quy định: Người yêu cầu đăng ký nộp hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm đã đăng ký, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: (i) Rút bớt, bổ sung hoặc thay thế bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm theo thỏa thuận của bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm; thay đổi tên hoặc thay đổi bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm do tổ chức lại doanh nghiệp…;
– Điểm b Khoản 3 Điều 5 Nghị định 102 quy định các trường hợp đăng ký sau đây không làm thay đổi thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm:
“b Các trường hợp đăng ký thay đổi quy định tại các khoản 1, 2, 4 và 5 Điều 18 của Nghị định này”.
Như vậy theo quy định pháp luật nêu trên thì việc rút bớt, bổ sung hoặc thay thế bên bảo đảm theo thỏa thuận của các bên thuộc trường hợp phải đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm đã đăng ký, và việc đăng ký thay đổi này không làm thay đổi thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm.
Trên đây là nội dung tư vấn về mặt nguyên tắc của VILACO. Để được tư vấn, lắng nghe ý kiến tư vấn chính xác nhất và mới nhất từ các Luật sư vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 0974 451 886.