Tranh chấp chậm giao hàng trong Hợp đồng vận chuyển logistics

Kính chào công ty Luật Vilaco. Công ty tôi có ký hợp đồng vận chuyển hàng hoá từ Việt Nam sang Nhật với một công ty logistics. Trong hợp đồng không ghi điều khoản phạt, hiện nay họ giao chậm hàng của tôi khiến đối tác huỷ đơn hàng thiệt hại rất lớn. Vậy luật sư cho tôi hỏi tôi có thể phạt bên logistics được không hay làm cách nào để tôi có thể bắt bên đó chịu thiệt hại mà tôi phải chịu do bên đó giao chậm hàng. Trân trọng cám ơn!

Căn cứ pháp lý: Bộ luật dân sự năm 2015.

Công ty bạn có ký hợp đồng vận chuyển hàng hoá từ Việt Nam sang Nhật với một công ty logistics. Khi đó, bên vận chuyển (tức là công ty logistics) sẽ có các nghĩa vụ theo Điều 534 BLDS năm 2015, gồm:

  1. Bảo đảm vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn đến địa điểm đã định, theo đúng thời hạn.
  2. Giao tài sản cho người có quyền nhận.
  3. Chịu chi phí liên quan đến việc chuyên chở tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  4. Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.
  5. Bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển trong trường hợp bên vận chuyển để mất, hư hỏng tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Việc giao hàng chậm của công ty logistics đã vi phạm vào nghĩa vụ phải vận chuyển tài sản theo đúng thời hạn (khoản 1 Điều trên). Công ty logistics này phải có trách nhiệm Bồi thường thiệt hại cho công ty bạn, trừ trường hợp công ty đó chứng minh được việc chậm giao hàng là do sự kiện bất khả kháng, hoặc trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác. (Theo Điều 351 BLDS). Mặc dù trong hợp đồng giữa công ty bạn và công ty logistics không có điều khoản phạt vi phạm hợp đồng nhưng không đồng nghĩa với việc bên logistics được loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra do sự vi phạm nghĩa vụ của mình.

Thiệt hại này được xác định theo Điều 419 BLDS:

  1. Thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều này, Điều 13 và Điều 360 của Bộ luật này.
  2. Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.
  3. Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc

Như vậy, bên logistics phải bồi thường khoản chênh lệch mà bạn bị mất do bị đối tác hủy bỏ hợp đồng. Trường hợp bạn có bỏ các chi phí thuê kho bãi mà không nhận được hàng đúng thời hạn thì bên logistics phải thanh toán cho bạn các chi phí này. Ngoài ra, nếu có các thiệt hại về tinh thần như thiệt hại về uy tín, bạn có thể yêu cầu Tòa án xác định để buộc bên vi phạm bồi thường thiệt hại về tinh thần cho bạn. Công ty bạn và công ty logistics có thể tự thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi yêu cầu Tòa án giải quyết, Công ty bạn cần chứng minh được thiệt hại thực tế để làm căn cứ bồi thường thiệt hại.