Em là sinh viên đi làm thêm tại một cửa hàng tiện lợi 24h với mức lương là 3.750.000đ/tháng. Em đi làm nhưng không được ký hợp đồng lao động. Sau 1 tháng làm việc thì em xin nghỉ, và bên công ty cũng đồng ý cho em nghỉ. Tổng cộng lương của em là 3.750.000 đồng. Nhưng cho đến nay, kể từ tháng 06/4/2020 công ty rất nhiều lần hứa sẽ trả nhưng đều không chịu trả, lần cuối cùng hứa là sẽ trả trong tháng 5 năm 2020, đến nay chưa thấy gì. Em vẫn giữ tin nhắn cũng như đoạn ghi âm của chị quản lý xác nhận sẽ trả cho em. Em có ảnh tờ giấy chấm công của trung tâm. Vận xin cho em hỏi em phải làm gì để đòi lại quyền lợi ạ.
Trả lời:
Thứ nhất, về hình thức hợp đồng lao động
Do bạn không nói rõ là bạn thỏa thuận với công ty đó là làm mấy tháng, dài hạn hay ngắn hạn nên chúng tôi không rõ bạn làm việc với công ty theo hình thức hợp đồng lao động gì. Tuy nhiên Căn cứ theo quy định tại khoản 2 điều 16 Bộ luật Lao động 2012 thì nếu công việc dưới 3 tháng thì có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.
“Điều 16. Hình thức hợp đồng lao động
- Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.”
Trường hợp thỏa thuận lao động trên 3 tháng thì bắt buộc phải giao kết hợp đồng bằng văn bản. Nếu không giao kết hợp đồng với người lao động, thì người sử dụng lao động có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2.000.000đ đến 25.000.000 theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/04/2020.
Thứ hai, công ty không trả lương thì xử lý thế nào
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 điều 95 Bộ luật Lao Động 2012 như sau:
“Điều 95. Kỳ hạn trả lương
- Người lao động hưởng lương tháng được trả lương tháng một lần hoặc nửa tháng một lần.”
Do đó, thời điểm mà công ty đó trả lương cho bạn có thể là thời điểm mà hai bên thỏa thuận nhưng bắt buộc phải trong phạm vi nửa tháng hoặc một tháng một lần không được phép chậm trễ, kéo dài thời hạn trả lương.
Mặt khác, theo quy định tại điều 96 Bộ luật Lao động 2012 như sau:
“Điều 96. Nguyên tắc trả lương
Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.
Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.”
Như vậy, tùy vào thời điểm mà hai bên giao kết sẽ ấn định một thời gian cụ thể để người sử dụng lao động trả lương cho bạn. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp mà công ty không thể trả lương đúng hạn như giao kết thì thời hạn trả lương không được chậm quá 01 tháng kể từ thời điểm đến hạn thanh toán lương cho bạn.
Mặt khác, căn cứ theo khoản 2 điều 47 Bộ luật Lao động 2012 như sau:
“Điều 47. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.”
Như theo thông tin bạn cung cấp thì bên phía công ty đã hứa hẹn nhiều lần nhưng chưa tiến hành thanh toán lương cho bạn, cụ thể từ 06/04/2020 nhưng đều không chịu trả, lần cuối cùng hứa là sẽ trả trong tháng 5 năm 2020, đến nay chưa thấy gì. Vậy nên có thể thấy bên công ty đã vi phạm nguyên tắc trả lương đúng hạn và đã vượt quá thời gian tối đa cho phép được chậm trễ trả lương.
Người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì có thể bị phạt tiền lên đến 50.000.000Đ theo khoản 2 điều 16 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP. Hình phạt bổ sung: Yêu cầu trả đủ lương cho người lao động.
Thứ ba, bạn cần làm gì để đòi lại quyền lợi
Nếu công ty không trả lương đầy đủ theo thỏa thuận với bạn thì bạn cần phải “hành động” để bảo vệ quyền lợi cho mình. Bạn có thể áp dụng các cách sau đây:
Thứ nhất, gửi yêu cầu thanh toán bằng văn bản đến công ty yêu cầu thanh toán đúng, đủ lương theo thỏa thuận ban đầu cho bạn là 3.750.000Đ.
Thứ hai, gửi đơn khiếu nại đến phòng lao động thương binh xã hội Quận/huyện nơi công ty đó đặt trụ sở.
Thứ ba, gửi đơn khởi kiện đến tòa án nhân nhân quận/huyện nơi công ty đó đặt trụ sở để yêu cầu tòa án can thiệp, giải quyết.
Trên đây là một số ý kiến tư vấn của công ty Luật Vilaco, trường hợp chưa hiểu hoặc còn thắc mắc vui lòng gọi điện đến số hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí. Trân trọng!