Mình và 20 chục người có chơi họ (nghĩa là góp tiền vào và một người chủ cầm). Vậy cho hỏi chơi họ vậy có hợp pháp không? Nhỡ bị bùng họ có được pháp luật bảo vệ không?
TRẢ LỜI:
Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật Dân sự 2015.
- Nghị định số 19/2019/NĐ-CP VỀ HỌ, HỤI, BIÊU, PHƯỜNG.
Thứ nhất, chơi “họ” có vi phạm pháp luật hay không?
Căn cứ theo quy định tại điều 471 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
“Điều 471. Họ, hụi, biêu, phường
- Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.”
Như vậy chơi họ là hình thức chơi dựa trên cơ sở tự thỏa thuận của một nhóm người, trong đó bao gồm có chủ họ( nếu có) và các thành viên khác tham gia. Có thể hiểu chơi họ thì chủ họ sẽ là người tổ chức, thu họ hằng tháng/quý (tùy theo nội quy của nhóm), giao họ cho người đến lượt,… Còn thành viên là người tham gia vào dây họ, được góp, được lĩnh tiền họ khi đến lượt và được trả lãi nếu theo nội quy đề ra là chơi họ có lãi.
Do đó có thể khẳng định việc chơi họ là không vi phạm pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự, tuy nhiên sẽ tiềm tàng nhiều rủi ro phát sinh hoặc pháp luật nghiêm cấm hành vi lợi dụng chơi họ để cho vay nặng lãi.
Căn cứ theo quy định tại điều 471 Bộ luật Dân sự 2015 và Nghị định 19/2019/NĐ-CP như sau:
“2. Việc tổ chức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.
- Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.”
Và “Điều 3. Nguyên tắc tổ chức họ
- Việc tổ chức họ chỉ được thực hiện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia quan hệ về họ.
- Không được tổ chức họ để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.”
Như vậy, việc tổ chức chơi họ nhằm mục đích tương trợ giữa những người tham gia quan hệ về họ vì thành viên trong dây họ thường quen biết nhau, tạo nên sự tin tưởng. Mặt khác, nghiêm cấm hành vi tổ chức chơi họ để cho vay nặng lãi, lừa đao chiếm đoạt tài sản,…
Thứ hai, rủi ro khi chơi họ phát sinh thì các thành viên có được pháp luật bảo vệ hay không?
Nếu trong trường hợp chủ họ cầm tổng số tiền dây họ nhưng không giao hoặc giao không đủ cho các thành viên thì theo quy định tại điều 21 Nghị định 19/2019/NĐ-CP như sau:
“1. Thực hiện đúng nghĩa vụ quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 18 của Nghị định này.
- Trả lãi đối với số tiền chậm giao cho thành viên được lĩnh họ theo quy định tại khoản 1 Điều 22 của Nghị định này.
- Chịu phạt vi phạm trong trường hợp những người tham gia dây họ có thỏa thuận phạt vi phạm theo quy định tại Điều 418 của Bộ luật dân sự.
- Bồi thường thiệt hại (nếu có).”
Hoặc đối với trường hợp các thành viên không góp hoặc không góp đủ phần họ thì căn cứ theo quy định tại điều 22 Nghị định 19/2019/NĐ-CP như sau:
“1. Hoàn trả số tiền mà chủ họ đã góp thay cho thành viên.
- Trả lãi đối với số tiền chậm góp họ theo quy định tại Điều 22 của Nghị định này.
- Chịu phạt vi phạm trong trường hợp những người tham gia dây họ có thỏa thuận phạt vi phạm theo quy định tại Điều 418 của Bộ luật dân sự.
- Bồi thường thiệt hại (nếu có).”
Và cụ thể hơn nếu có tranh chấp phát sinh giữa các thành viên trong dây họ thì các thành viên có thể giải quyết bằng phương thức: thương lượng, hòa giải hoặc đưa vụ việc ra Tòa án để yêu cầu giải quyết.
Còn đối với trong dây họ có các thành viên có hành vi vi phạm pháp luật như cho vay nặng lãi hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản,…thì các cá nhân khác khi có đủ bằng chứng có thể Tố cáo lên cơ quan điều tra để họ điều tra, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo đúng như căn cứ quy định tại điều 24 Nghị định 19/2019/NĐ-CP như sau:
“Điều 25. Giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm
- Trong trường hợp có tranh chấp về họ hoặc phát sinh từ họ thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hoà giải hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
- Chủ họ, thành viên, cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về họ.”
Tóm lại, nếu có tranh chấp phát sinh hoặc các thành viên, chủ họ không chấp hành đúng nội quy của dây họ thì pháp luật cũng sẽ bảo vệ.
- Cho thuê xe ô tô tự lái bị người thuê đem xe đi cầm đồ thì phải làm thế nào?
- Hướng dẫn xin cấp phép hoạt động trung tâm ngoại ngữ năm 2024
- Đối tượng và phạm vi áp dụng pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động ngân hàng
- Uống rượu say vào nhầm nhà người khác ngủ lại có bị tội xâm phạm chỗ ở của người khác không?
- Dịch vụ doanh nghiệp công ty Luật Vilaco