Ngày 29/6/2018, Khách hàng thực hiện lệnh chuyển tiền đến trong hệ thống ngân hàng trên phần mềm MPLUS với số tiền 18.200.000 đồng. Tuy nhiên, do sơ suất nên đã ghi nhầm số tài khoản của Người nhận. Người nhận mở tài khoản từ năm 2011 tại Chi nhánh Hồ Chí Minh và đã lâu không có giao dịch, trên hệ thống không lưu số điện thoại liên hệ nên Khách hàng không liên hệ được với Người nhận để đàm phán việc khoản tiền chuyển nhầm nói trên. Trong trường hợp này theo quy định của pháp luật, ngân hàng có thể chuyển tiền trả lại Khách hàng trên cơ sở đề nghị, hồ sơ của Khách hàng cung cấp hay không (không có ý kiến của Người nhận)?
Trả lời:
- Quy định pháp luật liên quan đến chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật.
– Khoản 1 Điều 579 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc chiếm hữu sử dụng tài sản mà không có căn cứ pháp luật, theo đó: Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó.
– Điều 165 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về việc chiếm hữu được coi là hợp pháp bao gồm:
(i) Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản; (ii) Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản; (iii) Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật; (iv) Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm; (v) Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc.
– Khoản 1 Điều 580 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về tài sản hoàn trả, theo đó, Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản mà không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả toàn bộ tài sản đã thu được.
Như vậy, theo quy định pháp luật, người chiếm hữu tài sản không thuộc các trường hợp chiếm hữu hợp pháp theo quy định tại Điều 165 Bộ luật Dân sự 2015 có nghĩa vụ hoàn trả toàn bộ tài sản cho người sở hữu.
– Điều 5 Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (Thông tư 23) quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ tài khoản thanh toán như sau:
“1. Chủ tài khoản thanh toán có các quyền sau:
- a) Sử dụng số tiền trên tài khoản thanh toán của mình để thực hiện các lệnh thanh toán hợp pháp, hợp lệ. Chủ tài khoản thanh toán được tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (nơi mở tài khoản) tạo điều kiện để sử dụng tài khoản thanh toán của mình thuận tiện và an toàn;
- Chủ tài khoản thanh toán có các nghĩa vụ sau:
- d) Hoàn trả hoặc phối hợp với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoàn trả các khoản tiền do sai sót, nhầm lẫn đã ghi Có vào tài khoản thanh toán của mình;”
– Khoản 1 Điều 6 Thông tư 23 quy định về quyền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, theo đó, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được chủ động trích (ghi nợ) tài khoản thanh toán của khách hàng trong các trường hợp sau: (i) Để thu các khoản nợ đến hạn, quá hạn, tiền lãi và các chi phí phát sinh trong quá trình quản lý tài khoản và cung ứng các dịch vụ thanh toán; (ii) Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (iii) Để điều chỉnh các khoản mục bị hạch toán sai, hạch toán không đúng bản chất hoặc không phù hợp với nội dung sử dụng của tài khoản thanh toán; (iv) Khi phát hiện đã ghi Có nhầm vào tài khoản của khách hàng hoặc theo yêu cầu hủy lệnh chuyển Có của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền; (v) Để chi trả các khoản thanh toán thường xuyên, định kỳ theo thỏa thuận giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Như vậy, theo quy định pháp luật liên quan thì:
Chủ sử dụng tài khoản thanh toán có quyền yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện lệnh thanh toán hơp lệ và có nghĩa vụ hoàn trả hoặc phối hợp với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoàn trả các khoản tiền do sai sót, nhầm lẫn đã ghi Có vào tài khoản thanh toán của mình. Đối với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có quyền chủ động trích tài khoản thanh toán của khách hàng trong các trường hợp quy định tại Điều 6 Thông tư 23 nêu trên, trong đó, được quyền chủ động trích tài khoản thanh toán của Khách hàng khi phát hiện đã ghi Có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng.
- Đối với tình huống nêu trên:
Theo thông tin Đơn vị cung cấp, Khách hàng thực hiện lệnh chuyển tiền đến trong hệ thống ngân hàng trên phần mềm MPLUS với số tiền 18.200.000 đồng. Tuy nhiên, do sơ suất nên Khách hàng đã ghi nhầm số tài khoản của Người nhận. Căn cứ theo quy định pháp luật về chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật và quy định nội bộ, Người nhận có nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền do Khách hàng chuyển nhầm. Tuy nhiên, việc Khách hàng ghi nhầm số tài khoản Người nhận có được nhận lại số tiền chuyển nhầm và nhận như thế nào còn phụ thuộc vào quy định nội bộ của mỗi ngân hàng. Do vậy, Bạn cần cung cấp thêm tài liệu để nhận được tư vấn chính xác nhất.
Trên đây là nội dung tư vấn về mặt nguyên tắc của VILACO. Để được tư vấn, lắng nghe ý kiến tư vấn chính xác nhất và mới nhất từ các Luật sư vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline trên màn hình.