KH Nguyễn Thị A đến ngân hàng gửi đề nghị vay vốn. Tài sản bảo đảm là Quyền sử dụng đất theo GCN số AA123456 đứng tên bà Nguyễn Thị A và chồng là ông Trần Văn B (Tài sản của 2 vợ chồng).
Tuy nhiên, hiện tại, ông Trần Văn B đang trong thời gian chấp hành hình phạt tù.
Vậy, trong trường hợp bên vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn tại ngân hàng, và muốn thế chấp tài sản là Quyền sử dụng đất theo GCN số AA123456 nêu trên thì cần phải làm thủ tục thế chấp như thế nào để phù hợp quy định của pháp luật.
Trả lời:
- Quy định pháp luật:
– Quy định pháp luật về năng lực hành vi dân sự của cá nhân: Điều 22, Điều 23, Điều 24 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về các trường hợp mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; hạn chế năng lực hành vi dân sự.
– Quy định về tài sản chung của vợ chồng:
+ Khoản 1 Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.
+ Khoản 2 Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy đinh: Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.
+ Khoản 3 Điều 213 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: Vợ chồng thỏa thuận hoặc ủy quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
– Quy định về quyền của phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù:
+ Khoản 1 Điều 3 Luật thi hành án hình sự năm 2010 quy định: người chấp hành án là người bị kết tội và phải chịu hình phạt theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.
+ Khoản 3 Điều 4 Luật thi hành án hình sự năm 2010 quy định một trong những nguyên tắc thi hành án hình sự là: tôn trọng nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án.
– Quy định pháp luật về đại diện theo ủy quyền:
+ Khoản 1 Điều 138 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về đại diện theo ủy quyền thì: “Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”.
+ Điểm c khoản 1 Điều 141 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về phạm vi đại diện thì: Người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo nội dung ủy quyền.
– Quy định về việc công chứng:
+ Khoản 2 Điều 44 Luật Công chứng 2010 quy định về địa điểm công chứng thì: Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì:
– Một người được coi là người bị mất năng lực hành vi dân sự/người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi/hạn chế năng lực hành vi dân sự khi có Quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Đối với người đang chấp hành hình phạt tù nhưng chưa có quyết định của Tòa án tuyên bố thì chưa đủ cơ sở để xác định là trường hợp bị mất năng lực hành vi dân sự/có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi/hạn chế năng lực hành vi dân sự.
– Chồng có thể ủy quyền cho vợ để thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản chung của vợ chồng;
– Trong trường hợp không bị pháp luật hoặc Tòa án tước một số quyền công dân thì phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù vẫn có quyền tham gia các giao dịch dân sự trong đó có quyền thế chấp tài sản bảo đảm.
– Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người đang thi hành án phạt tù.
- Đối với tình huống nêu trên:
Theo quy định pháp luật đã phân tích nêu trên thì việc thế chấp Tài sản phải được sự thỏa thuận của vợ chồng ông B và bà A. Trường hợp ông B đang thi hành hình phạt tù thì về nguyên tắc, ông B vẫn có quyền tự mình thực hiện các giao dịch liên quan đến thế chấp Tài sản hoặc ông B có thể ủy quyền cho bà A/người khác thực hiện các giao dịch liên quan đến việc thế chấp Tài sản.
Do vậy, căn cứ vào các quy định của pháp luật và những phân tích nêu trên, Đơn vị có thể hướng dẫn khách hàng thực hiện theo một trong các phương án sau:
(i) Phương án 1: Ông B tự mình thực hiện các giao dịch liên quan đến việc thế chấp Tài sản.
Bà A và ông B thực hiện ký kết Hợp đồng thế chấp và các tài liệu có liên quan đến việc thế chấp tài sản bảo đảm. Trong trường hợp này, Đơn vị và khách hàng cần liên hệ với tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức hành nghề công chứng sẽ liên hệ, làm việc với ông B để thực hiện ký kết Hợp đồng thế chấp Tài sản tại nơi ông B đang chấp hành hình phạt tù.
(ii) Phương án 2: Ông B ủy quyền cho bà A/người khác thực hiện các giao dịch liên quan đến việc thế chấp Tài sản.
Pháp luật hiện nay không quy định cụ thể hình thức ủy quyền đối với các giao dịch liên quan thế chấp quyền sử dụng đất (bằng văn bản hay lời nói, có buộc phải công chứng không?), tuy nhiên để hạn chế các rủi ro tiềm ẩn và để đảm bảo văn bản ủy quyền có giá trị là chứng cứ mà không phải chứng minh văn bản ủy quyền của ông B cho bà A/người khác thực hiện các giao dịch liên quan đến việc thế chấp Tài sản, bạn nên yêu cầu Khách hàng cung cấp văn bản ủy quyền của ông B cho bà A/người khác có công chứng.
Trên đây là nội dung tư vấn về mặt nguyên tắc của VILACO. Để được tư vấn, lắng nghe ý kiến tư vấn chính xác nhất và mới nhất từ các Luật sư vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 0974 451 886.