Chào luật sư, vơ chồng tôi ly hôn được một năm, theo kết luật tại phiên tòa thì vợ tôi là người được nuôi con. Tuy nhiên, cuối năm ngoái vợ tôi đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan và để con sống với bà ngoại năm nay đã 70 tuổi rồi. Một lần tôi sang chơi thì thấy cháu ở với bà điều kiện rất thiếu thốn, tôi đã gọi cho vợ để đón con về nuôi nhưng cô ta không đồng ý. Tôi rất lo lắng cho sự phát triển của cháu và mong muốn được giành lại quyền nuôi cháu. Luật sư có cách nào xin chỉ cho tôi.
Cám ơn anh đã gửi câu hỏi đến tổng đài tư vấn pháp luật, với câu hỏi của anh chúng tôi xin được trả lời như sau:
Cơ sở pháp lý yêu cầu thay đổi quyền nuôi con
Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
Có được thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn không
Trong một số trường hợp, để đảm bảo được quyền lợi tốt nhất cho con thì pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam cho phép thay đổi người trực tiếp nuôi con. Về việc thay đổi người có quyền nuôi con sau ly hôn, Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:
“Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ”.
Theo quy định trên, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
– Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
– Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Từ trường hợp của anh, chị có thể thấy việc vợ anh đi nước ngoài và để con lại cho bà ngoại già yếu trông nom trong điều kiện thiếu thốn thì có thể coi là căn cứ để anh yêu cầu Tòa án thay đổi quyền nuôi con hay nói cách khác là giành lại quyền nuôi con. Nếu anh thấy rằng việc tiếp tục để cháu sống với bà ngoại sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cháu thì anh có thể nộp đơn đến tòa án nhân dân nơi giải quyết ly hôn để yêu cầu tòa thay đổi quyền nuôi con sang anh.
Lúc này tòa án sẽ xem xét tình hình thực tế và ra quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận yêu cầu thay đổi quyền nuôi con. Lưu ý, nếu con anh đã trên 7 tuổi thì lúc này Tòa án sẽ xem xét nguyện vọng của cháu là muốn ở với bố hay tiếp tục ở với mẹ dưới sự chăm sóc của bà ngoại.
Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật sư, anh còn thắc mắc hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ yêu thay đổi quyền nuôi con vui lòng gọi đến tổng đài để được tư vấn miễn phí.