Kính chào Công ty Luật Vilaco, hiện nay doanh nghiệp chúng tôi cần lập công đoàn tại cơ sở nhưng chưa nắm được điều kiện, trình tự thủ tục và hồ sơ thế nào. Vậy quý công ty có thể giải đáp thắc mắc cho chúng tôi được không? Thư tư vấn xin gửi về địa chỉ mail này. Xin cám ơn!
Cám ơn anh/chị đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Với câu hỏi này, chúng tôi xin được trả lời như sau
1.Căn cứ pháp lý thành lập công đoàn cơ sở năm 2020
– Điều lệ Công đoàn Việt Nam 2013;
– Hướng dẫn 238/HD-TLĐ năm 2014 hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn;
– Luật Công đoàn ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Đây là các văn bản điều chỉnh trực tiếp đến điều kiện và trình tự thành lập công đoàn cơ sở hiện nay.
2.Định nghĩa
Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn, tập hợp đoàn viên công đoàn trong một hoặc một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, được công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở công nhận theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
3. Điều kiện thành lập Công đoàn cơ sở
Doanh nghiệp thành lập Công đoàn cơ sở khi có đủ hai điều kiện sau:
– Có ít nhất năm đoàn viên công đoàn hoặc năm người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.
– Có tư cách pháp nhân.
Ngoài ra, doanh nghiệp được phép thành lập công đoàn cơ sở ghép trong những trường hợp sau:
– Các cơ quan, đơn vị có đủ tư cách pháp nhân nhưng có dưới 20 đoàn viên hoặc dưới 20 người lao động tự nguyện gia nhập công đoàn;
– Các cơ quan, đơn vị có trên 20 đoàn viên hoặc trên 20 người lao động tự nguyện gia nhập công đoàn nhưng không có tư cách pháp nhân hoặc, tư cách pháp nhân không đầy đủ.
– Các doanh nghiệp có đủ điều kiện về đoàn viên, có tư cách pháp nhân nhưng có chung chủ sở hữu hoặc cùng ngành nghề, lĩnh vực hoạt động trên địa bàn nếu tự nguyện liên kết thì thành lập công đoàn cơ sở có cơ cấu tổ chức công đoàn cơ sở thành viên.
4. Trình tự, thủ tục thành lập Công đoàn cơ sở
Bước 1. Thành lập Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở (sau đây gọi tắt là Ban vận động):
– Điều kiện thành lập Ban vận động: Khi có từ ba người lao động trở lên đang làm việc tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.
– Người lao động (có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam) tự tập hợp, thống nhất bầu Trưởng ban vận động.
– Ban vận động có trách nhiệm: tổ chức vận động thành lập Công đoàn cơ sở; vận động người lao động tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam; đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hướng dẫn việc tổ chức hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở.
Bước 2: Tổ chức hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở:
– Nội dung hội nghị gồm:
+ Báo cáo quá trình vận động người lao động gia nhập công đoàn và tổ chức thành lập Công đoàn cơ sở;
+ Báo cáo danh sách người lao động có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn (hoặc danh sách những người đã là đoàn viên công đoàn hiện đang công tác tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp);
+ Tuyên bố thành lập Công đoàn cơ sở;
+ Bầu Ban chấp hành Công đoàn cơ sở;
+ Thông qua chương trình hoạt động của Công đoàn cơ sở.
– Đối với việc bầu cử Ban chấp hành tại hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở thực hiện theo nguyên tắc bỏ phiếu kín, người trúng cử phải có số phiếu tán thành quá 1/2 so với số phiếu thu về. Phiếu bầu cử phải có chữ ký của trưởng ban vận động ở góc trái, phía trên phiếu bầu.
Bước 3: Ra quyết định công nhận Công đoàn cơ sở
– Hồ sơ đề nghị công nhận đoàn viên, Công đoàn cơ sở, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở:
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi kết thúc hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở sở gửi hồ sơ, đề nghị Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở quyết định công nhận đoàn viên – Công đoàn cơ sở – Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, hồ sơ gồm:
+ Văn bản đề nghị công nhận đoàn viên, Công đoàn cơ sở, Ban chấp hành Công đoàn cơ sở;
+ Danh sách đoàn viên, kèm theo đơn gia nhập Công đoàn Việt Nam của người lao động;
+ Biên bản hội nghị thành lập Công đoàn cơ sở;
+ Biên bản kiểm phiếu bầu Ban chấp hành Công đoàn cơ sở.
– Công đoàn cấp trên trực tiếp ra quyết định công nhận Công đoàn cơ sở:
Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm thẩm định tính hợp pháp của quá trình thành lập Công đoàn cơ sở.
+ Trường hợp đủ điều kiện thì ra các quyết định: công nhận đoàn viên, công nhận Công đoàn cơ sở, công nhận Ban chấp hành.
+ Trường hợp không đủ điều kiện công nhận thì thông báo bằng văn bản tới Ban vận động thành lập Công đoàn cơ sở.
Trên đây là một số ý kiến tư vấn của công ty Luật Vilaco về thắc mắc của quý bạn đọc. Nếu còn thắc mắc gì khác hoặc có vấn đề nào chưa rõ, vui lòng gọi điện đến tổng đài để được tư vấn miễn phí. Trân trọng!
Chuyên viên: Thu Hương
- Văn bản đề nghị xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy
- Thời hạn thẻ tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam là bao lâu?
- Ông bà nội chết không để lại di chúc thì chia thừa kế như thế nào?
- Chồng vay tiền, vợ không biết thì khi ly hôn có phải liên đới trả nợ không?
- Tài sản được cho riêng, khi ly hôn có phải chia đôi không?