Hai vợ chồng đồng thuận làm 1 bản cam kết ví dụ: “Ai ngoại tình dẫn đến đổ vỡ gia đình thì người đó không được quyền nuôi con chung và tải sản chung”. Luật sư cho hỏi nếu thỏa thuận như thế nếu ly hôn tòa có căn cứ vào thỏa thuận để giải quyết không ạ?
Trả lời:
Vợ chồng đồng thuận làm một bản cam kết: “Ai ngoại tình dẫn đến đổ vỡ gia đình thì người đó không được quyền nuôi con chung và tải sản chung”. Để xác định được khi ly hôn, Tòa án có căn cứ vào thỏa thuận này để giải quyết không, cần xem hai trường hợp sau:
Thứ nhất, về thỏa thuận quyền nuôi con khi ly hôn
Khoản 2 và 3 Điều 81 LHNGĐ 2014 quy định: “2.Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
- Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Tòa án luôn dựa vào nguyên tắc thỏa thuận giữa cha và mẹ của người con để quyết định ai sẽ là người được nuôi con. Do đó, cha, mẹ của người con có thể thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau đối với con vào thời điểm trước, trong hoặc sau khi yêu cầu Tòa án chấm dứt quan hệ vợ chồng.
Thứ hai, về thỏa thuận phân chia tài sản chung khi ly hôn
Một nguyên tắc trong việc chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn chính là sự thoả thuận. Quá trình giải quyết tranh chấp chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ khối tài sản chung. Tòa án có trách nhiệm tôn trọng thỏa thuận hợp pháp của các bên, tuy nhiên thỏa thuận đó phải phù hợp với quy định của pháp luật.
Cụ thể, Điều 38 LHNGĐ 2014 quy định: “1. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật…..”.
Hai vợ chồng bạn khi thỏa thuận với nhau về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì phải làm thủ tục ký kết văn bản thỏa thuận về việc chia tài sản chung của vợ chồng. Hình thức của thỏa thuận này là phải được lập thành văn bản, có công chứng theo quy định của pháp luật như đối với động sản phải đăng ký quyền sở hữu, bất động sản, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Còn đối với các loại tài sản khác thì không bắt buộc công chứng mà chỉ là do thỏa thuận giữa hai vợ chồng bạn hoặc do yêu cầu của một bên muốn công chứng văn bản phân chia tài sản chung này.
Việc Tòa án có thể căn cứ vào cam kết của 2 bạn là: “Ai ngoại tình dẫn đến đổ vỡ gia đình thì người đó không được quyền nuôi con chung và tải sản chung” để chia tài sản chung thì còn tùy thuộc vào loại tài sản đó là gì, từ đó Tòa án sẽ xem xét vào thỏa thuận để giải quyết.