Em lấy chồng được 4 năm rồi nhưng chỉ tổ chức đám cưới mà không đăng ký kết hôn. Bọn em có một bé trai 2 tuổi. Bây giờ em muốn ly hôn chồng thì có phải làm thủ tục gì không hay cứ thế là về nhà ngoại? Quyền nuôi con của hai vợ chồng thì pháp luật giải quyết thế nào ạ?
Trả lời:
Khoản 5 Điều 3 Luật HNGĐ 2014 quy định: “Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”.
Bạn và chồng bạn không đăng ký kết hôn và chỉ tổ chức đám cưới. Như vậy, về mặt pháp luật, bạn và chồng không được thừa nhận là quan hệ vợ chồng. Theo Khoản 7 điều 3 luật HNGĐ 2014, trường hợp của bạn là chung sống với nhau như vợ chồng, cụ thể như sau:“Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng”. Khi hai bạn không đăng ký kết hôn, tức không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Như vậy, bạn có thể về nhà ngoại mà không phải tiến hành thủ tục ly hôn.
Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được quy định tại Điều 14 Luật HNGĐ 2014 như sau:
“1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này”.
Điều 15 Luật HNGĐ 2014 quy định quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như sau: “Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con”.
Theo quy định trên, mặc dù hai bạn không phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng nhưng để đảm bảo lợi ích cho con, pháp luật quy định quyền của con được giải quyết theo luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.
Cụ thể, về quyền nuôi con được giải quyết theo Điều 81 Luật HNGĐ 2014. Theo đó, 2 bạn thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc 2 bạn có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.