Chồng chung sống như vợ chồng với người phụ nữ khác có bị tội gì không?

Thưa luật sư, tôi và chồng mâu thuẫn đã lâu nhưng chưa ly hôn. Tôi phát hiện chồng tôi có chung sống với người phụ nữ khác. Vậy tôi có thể kiện chồng tôi hoặc người phụ nữ kia tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng không?

TRẢ LỜI:

Cơ sở pháp lý:

  • Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
  • Nghị định số 110/2013/NĐ-CP của của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
  • Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Thứ nhất, Vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng là gì?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 như sau:

Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng

  1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ”.

Như vậy, hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng được hiểu là người đang có vợ, có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác là hành vi bị nghiêm cấm.

Cụ thể đối với trường hợp của bạn, bạn và chồng bạn vẫn đang trong mối quan hệ hôn nhân hợp pháp chưa thực hiện thủ tục ly hôn cho nên việc chồng bạn chung sống với người phụ nữ khác như vợ chồng là vi phạm pháp luật, là hành vi bị Pháp luật Hôn nhân và gia đình nghiêm cấm theo căn cứ tại khoản 2 điều 5 như sau:

Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình

2. Cấm các hành vi sau đây:

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;”

Thứ hai, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng chịu trách nhiệm như thế nào?

Khi bạn có đủ bằng chứng, chứng cứ để chứng minh việc chồng bạn đang chung sống với người phụ nữ khác như vợ chồng mặc dù đang trong tình trạng hôn nhân hợp pháp với bạn thì bạn có quyền theo quy định tại khoản 3 điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.”

Như vậy, khi phát hiện hành vi của chồng bạn và bạn có đủ bằng chứng để cung cấp cho Tòa án hoặc cơ quan khác có thẩm quyền thì bạn có quyền yêu cầu cơ quan trên áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý chồng bạn về hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng.

Căn cứ điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP thì hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng của chồng bạn bị xử lý như sau:

Điều 48. Hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng; vi phạm quy định về ly hôn

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;”

Như vậy, tùy theo mức độ vi phạm của chồng bạn mà có thể sau khi bạn cung cấp đủ bằng chứng đến cơ quan có thẩm quyền hoặc Tòa án thì chồng bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Hoặc hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng của chồng bạn có thể bị cơ quan điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự, căn cứ theo quy định tại khoản 1 điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:

Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng

1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm….”

Như vậy, hành vi của chồng bạn nếu cấu thành tội phạm theo căn cứ trên thì bạn có quyền Tố cáo về hành vi đó và cơ quan điều tra có chức năng xem xét và đưa ra kết luận có truy tố về hành vi vi phạm đó hay không.

Tóm lại, bạn có thể Gửi đơn thư trình báo lên cơ quan công an cấp xã, UBND cấp xã/ phường nơi hai người họ hiện đang sinh sống như vợ chồng. Chính quyền địa phương đó sẽ có trách nhiệm kiểm tra hành chính, lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Hoặc bạn có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình. Hoặc bạn có quyền gửi đơn Tố cáo về hành vi vi phạm của chồng bạn đến cơ quan Công an cấp huyện nơi bạn và anh ta đăng kí hộ khẩu thường trú để cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi của chồng bạn.