Yêu cầu phản tố của bị đơn trong vụ án dân sự được quy định cụ thể tại Điều 200 BLTTDS năm 2015, tuy nhiên vẫn có những cách hiểu khác nhau, nhầm lẫn giữa việc xác định yêu cầu của bị đơn có phải là yêu cầu phản tố hay không? Đây là trường hợp thường hay xảy ra không chỉ trong quá trình học tập, nghiên cứu mà còn trong thực tiễn hành nghề luật sư. Để có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về vấn đề này, Công ty Luật Vilaco xin đưa ra một vài điểm cần lưu ý khi xem xét, đánh giá và nhận định một yêu cầu là yêu cầu phản tố.
1. Thế nào là yêu cầu phản tố?
– Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với yêu cầu của nguyên đơn và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
– Yêu cầu phản tố của bị đơn được chấp nhận khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ đối với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
+ Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
+ Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.
=> Như vậy, được coi là yêu cầu phản tố nếu yêu cầu đó độc lập, không cùng với yêu cầu mà nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Thời điểm bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố
– Theo Khoản 3 Điều 200 BLTTDS 2015 thì thời điểm bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố là trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
3. Thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu phản tố
– HĐXX chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu phản tố ban đầu.
– Trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì HĐXX chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với một phần hoặc toàn bộ yêu cầu mà đương sự đã rút.
4. Nhận định yêu cầu phản tố trong một số trường hợp
VD1: Yêu cầu chia TSC của vợ, chồng khi ly hôn của bị đơn trong vụ án ly hôn có phải yêu cầu phản tố không?
Có 2 trường hợp:
(i) Nguyên đơn không yêu cầu chia TSC của vợ chồng nhưng bị đơn có yêu cầu chia TSC
(ii) Nguyên đơn yêu cầu chia một số TSC của vợ chồng và bị đơn có yêu cầu chia TSC của vợ chồng khác.
=> Cả hai trường hợp trên đều là yêu cầu phản tố, bởi lẽ: Yêu cầu chia TSC của bị đơn buộc nguyên đơn phải thực hiện nghĩa vụ chia một phần TSC cho bị đơn được hưởng; Yêu cầu chia TSC của bị đơn có liên quan đến việc giải quyết vụ án; Yêu cầu chia TSC của bị đơn và yêu cầu ly hôn, yêu cầu chia TSC của nguyên đơn là hoàn toàn độc lập với nhau.
VD2: Nguyên đơn được cấp GCN QSDĐ đối với thửa đất A nhưng hiện tại thửa đất này bị đơn đang chiếm sử dụng, vì vậy nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn trả đất. Yêu cầu hủy GCN QSDĐ của bị đơn trong vụ án tranh chấp QSDĐ có phải yêu cầu phản tố không?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 34 và Điều 200 BLTTDS 2015 thì đây không phải là yêu cầu phản tố, bởi lẽ:
– Cùng (không độc lập) với yêu cầu của nguyên đơn.
– Yêu cầu hủy GCN QSDĐ là yêu cầu hủy QĐ cá biệt trong VADS quy định tại Điều 34. Khi có căn cứ cho rằng GCN QSDĐ trái pháp luật thì Tòa án QĐ hủy bỏ mà không phụ thuộc vào việc đương sự có yêu cầu hay không.
– Chủ thể mà bị đơn hướng tới là cơ quan đã cấp GCN QSDĐ cho nguyên đơn (đây là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) nhưng cơ quan cấp đó lại không có yêu cầu độc lập => Không thỏa mãn điều kiện tại Khoản 1 Điều 200 BLTTDS.
5. Một số sai lầm khi xác định yêu cầu phản tố
a. Nhầm lẫn giữa ý kiến phản đối của bị đơn với yêu cầu phản tố
Bị đơn không đồng ý yêu cầu của nguyên đơn là vấn đề bình thường, phổ biến. Tuy nhiên, bị đơn không đồng ý với nhiều lý do khác nhau và từ các lý do khác nhau này mới thường dẫn đến nhầm lẫn với phản tố.
Lý do không đồng ý yêu cầu của nguyên đơn phải trở thành yêu cầu của bị đơn và yêu cầu đó không nằm trong phạm vị phán xét yêu cầu của nguyên đơn thì mới là có vụ án mới, mới là phản tố.
VD: A khởi kiện đòi B trả nợ tiền vay là 100 triệu đồng. Có thể xảy ra một số tình huống sau:
– B khai rằng không vay hoặc đã trả rồi thì đó là ý kiến không đồng ý trả tiền vay chứ không phải là là một yêu cầu mới. Dù có hay không có lời khai của B như trên thì Tòa án vẫn phải phán quyết có vay hay không và còn nợ hay không. Do đó trường hợp này là trường hợp không có phản tố.
– B khai rằng B không trả vì A còn nợ B tiền mua hàng 150 triệu đồng. Nợ tiền mua hàng là quan hệ khác với nợ vay. Nhưng nếu B chỉ khai làm lý do không trả nợ thì cũng không phải là phản tố, Tòa án vẫn buộc B trả nợ A 100 triệu đồng tiền vay và không giải quyết về việc nợ mua hàng.
– B khai rằng A còn nợ tiền mua hàng của B là 150 triệu đồng, yêu cầu buộc A trả tiền nợ mua hàng để bù trừ với nợ vay. Đây mới là trường hợp có yêu cầu phản tố, Tòa án mới giải quyết yêu cầu đòi tiền mua hàng theo thủ tục phản tố.
b. Xác định không chính xác các yêu cầu của nguyên đơn
Phản tố phải là yêu cầu không nằm trong yêu cầu của nguyên đơn. Vì vậy, nếu xác định không chính xác yêu cầu của nguyên đơn cũng sẽ dẫn đến xác định sai yêu cầu phản tố.
Cũng là nguyên đơn đòi nhà mà bị đơn đang sử dụng, bị đơn có yêu cầu công nhận mình là chủ sở hữu nhà nhưng không phải trường hợp nào cũng là phản tố.
VD:
– A đứng tên chủ sở hữu nhà X. A có hợp đồng cho B thuê ngôi nhà X. A khởi kiện đòi chấm dứt hợp đồng thuê và buộc B trả lại nhà. B không đồng ý trả vì đã mua nhà của A và yêu cầu công nhận hợp đồng mua bán nhà. Đây là trường hợp trong khởi kiện của A không có yêu cầu phán quyết về sở hữu nhà. Vì vậy, yêu cầu công nhận hợp đồng mua bán nhà nằm ngoài yêu cầu của nguyên đơn. Do nằm ngoài yêu cầu của nguyên đơn nên yêu cầu này là yêu cầu phản tố.
– A khởi kiện đòi B trả lại ngôi nhà X với lý do A mua nhà của C và cho B ở nhờ. B không đồng ý trả và yêu cầu xác định B mới là người mua nhà của C. Đây là trường hợp ngay trong khởi kiện của A đã có yêu cầu xác định chủ sở hữu ngôi nhà X. Vì vậy, yêu cầu của B cũng đòi công nhận mình là chủ sở hữu đã nằm trong phạm vi phán quyết yêu cầu của A. Do đó, trường hợp này không phải là phản tố.
c. Một số lưu ý về vụ án ly hôn
* Vụ án ly hôn thường có 3 quan hệ tranh chấp là quan hệ hôn nhân, quan hệ nuôi con chung, quan hệ chia tài sản. Trong 3 quan hệ này thì quan hệ hôn nhân giữ vai trò chi phối. Không có ly hôn thì không có tranh chấp về nuôi con khi ly hôn, không có tranh chấp “chia tài sản khi ly hôn” hay tranh chấp “chia tài sản sau khi ly hôn”.
Mặc dù đơn khởi kiện xin ly hôn, yêu cầu giải quyết cả việc nuôi con chung, chia tài sản nhưng nếu Tòa án không chấp nhận yêu cầu xin ly hôn thì Tòa án cũng không giải quyết về các yêu cầu khác; nguyên đơn rút yêu cầu xin ly hôn có nghĩa cũng là rút các yêu cầu khác.
Mức độ phụ thuộc giữa các quan hệ tranh chấp cũng có sự khác nhau. Quan hệ về nuôi con chung gắn với quan hệ hôn nhân chặt chẽ hơn quan hệ tài sản. Đã giải quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân thì phải giải quyết việc nuôi con chung nhưng việc chia tài sản thì không bắt buộc phải giải quyết cùng với quan hệ hôn nhân.
Trong các loại yêu cầu của vụ án ly hôn có những loại yêu cầu được khởi kiện lại (nguyên đơn không được chấp nhận ly hôn có quyền khởi kiện lại sau 12 tháng; việc cấp dưỡng nuôi con được khởi kiện yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng; việc trực tiếp nuôi con cũng được khởi kiện lại để thay đổi…), có loại yêu cầu có thể được khởi kiện nhiều lần nhưng không được khởi kiện lại (quan hệ chia tài sản).
* Vụ án ly hôn được giải quyết theo TTDS nên cũng phải tuân theo nguyên tắc quy định tại Khoản 1 Điều 5 BLTTDS là: “Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”. Tuy nhiên, đối với những loại vụ việc đặc biệt có quy định riêng thì phải theo những quy định riêng đó.
Về vấn đề nuôi con chung:
Trường hợp công nhận thuận tình ly hôn thì một trong những điều kiện để công nhận là: “Hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hay không chia tài sản chung, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.” (Điểm b Khoản 4 Điều 397 BLTTDS). Như vậy, thỏa thuận về việc nuôi con là bắt buộc phải có để Tòa án công nhận; không thể có việc đương sự tự giải quyết.
Trường hợp một bên xin ly hôn, việc nuôi con sau khi ly hôn được quy định tại các điều 58, 81, 82, 83, 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Khoản 2 Điều 81 quy định: “Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định”. Điều 84 quy định:
1.Trong trường hợp có yêu cầu của cha , mẹ…Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2.Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a.Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con…
Từ những quy định trên cho thấy, việc nuôi con sau khi ly hôn phải được Tòa án công nhận hoặc quyết định, kể cả trường hợp đương sự có thỏa thuận.
Về vấn đề chia tài sản:
Trong thời kỳ thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 thì việc chia tài sản khi ly hôn là bắt buộc. Điều 42 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 quy định: “Khi ly hôn, việc chia tài sản do hai bên thỏa thuận, và phải được Tòa án nhân dân công nhận. Nếu hai bên không thỏa thuận được với nhau thì Tòa án nhân dân quyết định”. Tuy nhiên, từ thời kỳ thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì việc chia tài sản khi ly hôn không còn là bắt buộc nữa. Khoản 1 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”. Khoản 1 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định: “…nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, và 5 Điều này và tại các Điều 60, 61, 62, 63, và 64 của Luật này”.
Như vậy, việc chia tài sản khi ly hôn trước 01/01/2001 (ngày Luật HN và GĐ năm 2000 có hiệu lực) là bắt buộc và dù có thỏa thuận cũng “phải được Tòa án công nhận” nhưng sau 01/01/2001 thì Tòa án chỉ giải quyết việc chia tài sản khi ly hôn khi có “yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng” như phạm vi giải quyết các vụ án dân sự khác. Cũng vì vậy, BLTTDS năm 2015 mới quy định rõ thêm một loại việc là tranh chấp chia tài sản “sau khi ly hôn” bên cạnh loại việc tranh chấp chia tài sản “khi ly hôn”.
* Phản tố trong vụ án ly hôn:
– Trong vụ án ly hôn, giải quyết về việc nuôi con chung là bắt buộc nên nguyên đơn không nêu ra yêu cầu về nuôi con chung thì cũng phải coi như có yêu cầu giải quyết việc nuôi con chung. Do vậy, đơn xin ly hôn không nói gì đến việc nuôi con, bị đơn có yêu cầu Tòa án giải quyết việc nuôi con thì không phải là yêu cầu phản tố; bị đơn không phải làm các thủ tục, nghĩa vụ của người phản tố.
– Đối với việc chia tài sản thì không bắt buộc phải giải quyết cùng với việc ly hôn nên việc xác định phản tố như các vụ án dân sự thông thường khác; có nghĩa là nếu đơn xin ly hôn của nguyên đơn không có yêu cầu chia tài sản thì bị đơn có yêu cầu chia tài sản là yêu cầu phản tố.
– Một số ví dụ về yêu cầu phản tố trong ly hôn:
VD: Nguyên đơn khởi kiện xin ly hôn, khai rằng tài sản chung của vợ chồng có ngôi nhà số 2 phố X và ngôi nhà số 3 phố Y nhưng chỉ yêu cầu phân chia nhà số 2 phố X; bị đơn yêu cầu xác định nhà số 2 phố X là tài sản riêng của mình và yêu cầu chia nhà số 3 phố Y
Bị đơn có 2 yêu cầu, trong đó yêu cầu xác định nhà số 2 phố X là tài sản riêng của mình không phải là yêu cầu độc lập với yêu cầu của nguyên đơn vì khi giải quyết yêu cầu của nguyên đơn chia nhà số 2 phố X là đã phải xem xét nhà đó là tài sản riêng hay tài sản chung.
Đối với yêu cầu thứ hai của bị đơn là yêu cầu chia nhà số 3 phố Y thì đây là yêu cầu độc lập với yêu cầu của nguyên đơn. Tuy nguyên đơn cũng xác định nhà số 3 phố Y là tài sản chung của vợ chồng nhưng chưa có yêu cầu chia. Do đó, nếu không có yêu cầu của bị đơn thì Tòa án sẽ không chia nhà số 3 phố Y. Vì vậy, yêu cầu của bị đơn xin chia nhà số 3 phố Y là yêu cầu phản tố.
VD: Nguyên đơn khởi kiện xin ly hôn, bị đơn yêu cầu xác định một người con chung không phải là con mình
Khi khởi kiện xin ly hôn là nguyên đơn vừa có yêu cầu ly hôn vừa đã có yêu cầu về nuôi con chung. Tuy nhiên, tranh chấp về nuôi con chung trong vụ án ly hôn chỉ gồm việc giao cho ai trực tiếp nuôi và cấp dưỡng nuôi con thế nào; không bao gồm tranh chấp về quan hệ cha, mẹ, con. Vì vậy, tranh chấp về quan hệ cha, mẹ, con không đương nhiên nằm trong yêu cầu xin ly hôn của nguyên đơn. Trong các vụ án ly hôn thông thường, Tòa án giải quyết việc nuôi con trên cơ sở con được đương nhiên coi là con chung của cha mẹ, Tòa án không giải quyết về việc xác định cha, mẹ, con. Chỉ trong trường hợp có tranh chấp, có yêu cầu thì Tòa án mới giải quyết về việc xác định cha, mẹ, con. Thực tế, một người tồn tại trong xã hội đều đã được xác định là con của những người cụ thể, pháp luật quy định việc được yêu cầu xác định cha, mẹ chính là cho phép được xác định lại quan hệ cha mẹ cho con.
Do đó, khi nguyên đơn xin ly hôn và không có yêu cầu xác định cha, mẹ cho con thì yêu cầu của bị đơn xác định một người con không phải là con mình là yêu cầu phản tố (đây cũng là trường hợp được nêu trong ví dụ của Khoản 5 Điều 12 Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán).
VD: Nguyên đơn khởi kiện xin ly hôn và yêu cầu chia tài sản chung, bị đơn không đồng ý ly hôn và yêu cầu chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
Tuy cũng là yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng nhưng hai tranh chấp này là khác nhau. Yêu cầu chia tài sản của nguyên đơn chỉ được giải quyết khi Tòa án chấp nhận yêu cầu ly hôn, và nếu Tòa án không chấp nhận yêu cầu ly hôn thì yêu cầu chia tài sản đương nhiên không được giải quyết.
Đối với bị đơn, việc không đồng ý ly hôn không phải là yêu cầu độc lập với yêu cầu của nguyên đơn vì Tòa án phải phán xét về quan hệ hôn nhân dù bị đơn đồng ý ly hôn hay không đồng ý ly hôn, nhưng với yêu cầu chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì chỉ được giải quyết khi Tòa án không chấp nhận yêu cầu ly hôn của nguyên đơn.
Mặt khác, khi bị đơn đã yêu cầu chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân thì dù Tòa án không chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của nguyên đơn, Tòa án vẫn phải giải quyết về việc chia tài sản, khác với vụ án ly hôn thông thường khi không chấp nhận ly hôn thì đương nhiên không giải quyết về tài sản. Do đó, yêu cầu của bị đơn chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân cũng là yêu cầu phản tố.
VD: Người chồng là nguyên đơn yêu cầu ly hôn và chia tài sản chung của vợ chồng, người vợ yêu cầu được chia một phần tài sản trong khối tài sản chung của gia đình nhà chồng theo quy định tại Điều 61 Luật Hôn nhân và gia đình
Điều 61 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “1. Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia định không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình…”.
Những tài sản mà người chồng yêu cầu chia không bao gồm phần tài sản của gia đình nhà chồng nên yêu cầu của người vợ là độc lập với yêu cầu chia tài sản của người chồng. Tuy nhiên, phải là yêu cầu của bị đơn với nguyên đơn thì mới là yêu cầu phản tố.
Trong quan hệ tài sản của vợ chồng, việc giải quyết yêu cầu của một người làm xuất hiện nghĩa vụ hoặc một phần nghĩa vụ của người kia thì cũng phải coi là có yêu cầu với người có nghĩa vụ. Yêu cầu của người chồng giải quyết một khoản vay Ngân hàng của vợ chồng cũng phải coi là một yêu cầu của người chồng đối với người vợ về trách nhiệm trả nợ chung. Do đó, yêu cầu của người vợ về chia tài sản theo Điều 61 Luật Hôn nhân và gia đình không phải chỉ là yêu cầu với gia đình chồng mà là yêu cầu xác định phần tài sản xin chia đó cũng là tài sản sản chung của vợ chồng cần phân chia. Vì vậy, đây cũng là yêu cầu của bị đơn với nguyên đơn, là yêu cầu phản tố, được giải quyết trong cùng vụ án.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty Luật Vilaco liên quan đến vấn đề “Yêu cầu phản tố trong vụ án dân sự – những điểm cần lưu ý”. Mọi thắc mắc xin khách hàng vui lòng liên hệ hotline để được Luật sư và các chuyên viên tư vấn pháp lý tư vấn, giải đáp.