Thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài

Vào năm 2015 Anh A (chồng tôi) là công dân Ấn độ sang Việt nam dạy Yoga. Trong khoảng thời gian cư trú tại Việt nam tôi và anh ấy đã tiến hành kết hôn và được cơ quan có thẩm quyền của Việt nam cấp đăng ký kết hôn. Tháng 9/2019 vợ chồng tôi quay về Ấn sinh sống . Tháng 5/2020 do mâu thuẩn và bất đồng trong cuộc sống nên tôi quay về Việt nam sinh sống cùng gia đình. Hiện nay tôi muốn làm thủ tục ly hôn, anh ấy đồng ý nhưng tôi không biết phải làm thủ tục ở Việt Nam hay ấn độ. Mong luật sư giải đáp.

TRẢ LỜI:

Cơ sở pháp lý:

  • Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
  • Bộ luật Tố Tụng dân sự 2015.

Thứ nhất, quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài được hiểu như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại khoản 25 điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

Điều 3. Giải thích từ ngữ

  1. Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoàilà quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.”

Như vậy, đối với trường hợp của bạn được hiểu là quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài bởi vì chồng bạn là người nước ngoài mang quốc tịch Ấn Độ kết hôn với bạn là công dân Việt Nam, việc thực hiện thủ tục đăng kí kết hôn được pháp luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam ghi nhận hợp pháp.

Sự khác biệt cơ bản giữa quan hệ hôn nhân và gia đình trong nước của những chủ thể có cùng quốc tịch Việt Nam cư trú tại Việt Nam và quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài đó là không đương nhiên áp dụng Pháp luật Việt Nam để giải quyết các vấn đề vụ việc tranh chấp về hôn nhân và gia đình. Bởi lẽ bên cạnh đó cần căn cứ theo quy định của pháp luật Tố tụng Dân sự Việt Nam được quy định cụ thể về thẩm quyền giải quyết, chọn luật áp dụng theo quy định tại khoản 2 điều 123 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

Điều 123. Thẩm quyền giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

  1. Thẩm quyền giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại Tòa án được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.”

Thứ hai, thẩm quyền giải quyết và luật áp dụng khi ly hôn có yếu tố nước ngoài như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
Điều 127. Ly hôn có yếu tố nước ngoài

  1. Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.”

Do đó, với trường hợp của bạn khi bạn muốn tiến hành thủ tục ly hôn với chồng bạn là người nước ngoài thì bạn sẽ thực hiện thủ tục, quy trình theo quy định của Pháp luật Việt Nam cụ thể là cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ giải quyết theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Mặt khác, vụ việc của bạn là tranh chấp về hôn nhân, cụ thể bạn và chồng bạn xảy ra nhiều mâu thuẫn và bất đồng trong cuộc sống nên đây chính là tranh chấp về hôn nhân và gia đình theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự theo căn cứ tại điều 28 như sau:

Điều 28. Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

  1. Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn.”

Như vậy căn cứ theo quy định tại khoản 1 điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:
Điều 37. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh

1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây:

a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này;”

Do đó, bạn sẽ làm đơn yêu cầu ly hôn với chồng bạn và gửi đơn đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bạn cư trú để Tòa án xem xét, thụ lý và giải quyết đơn.

Mặt khác, nếu bạn và chồng bạn có tài sản chung trong khi kết hôn là bất động sản tại Ấn Độ thì việc giải quyết sẽ căn cứ vào khoản 3 điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

Điều 127. Ly hôn có yếu tố nước ngoài

  1. Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.”

Do đó nếu bạn và chồng bạn ngoài giải quyết tranh chấp về ly hôn mà còn giải quyết phân chia tài sản là bất động sản thì phải tuân theo pháp luật tại Ấn Độ.

Tóm lại, khi bạn muốn tiến hành thủ tục ly hôn sẽ nộp đơn tại Tòa án nhân dân tỉnh nơi bạn cư trú theo pháp luật Tố tụng Dân sự Việt Nam.

Trên đây là những tư vấn của công ty chúng tôi về vấn đề Ly hôn có yếu tố nước ngoài, thẩm quyền giải quyết và luật áp dụng, mong sẽ hữu ích với bạn đọc….