Tin nhắn Zalo, Facebook có được coi là chứng cứ không?

“Tôi có một người quen nhắn tin qua zalo hỏi vay tôi tiền. Vì là chỗ quen biết nên sau đó tôi đã chuyển tiền cho bạn mà không viết giấy nợ gì. Gần đây, tôi ngỏ ý muốn đòi lại thì người bạn kia lập tức phủ nhận hoàn toàn việc vay mượn. Bây giờ tôi vẫn lưu lại tin nhắn Zalo, vậy đây có thể được coi là bằng chứng khi đưa ra tòa không?”

Căn cứ theo quy định tại Điều 94 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015 quy định:

“Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:

  1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.
  2. Vật chứng.
  3. Lời khai của đương sự.
  4. Lời khai của người làm chứng.
  5. Kết luận giám định.
  6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.
  7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.
  8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.
  9. Văn bản công chứng, chứng thực.
  10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.”

Đối với chứng cứ là dữ liệu điện tử, Điều 99 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 nêu rõ, dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử.
Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác. Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.

Như vậy, những tin nhắn trao đổi qua Zalo có thể được xem là một nguồn chứng cứ và dùng làm chứng cứ chứng minh tại tòa án. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải tự nhiên mà có thể sử dụng tin nhắn này như một chứng cứ trước Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bạn cũng không thể nộp lại cả chiếc điện thoại cá nhân của mình đang sử dụng hoặc một chiếc laptop cho Tòa án để làm chứng cứ. Để có thể dễ dàng sử dụng nội dung tin nhắn Zalo làm chứng cứ, đảm bảo tính pháp lý của chứng cứ này, bạn nên yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng bởi Vi bằng là Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi” do Thừa phát lại là “người có chức năng lập”. Vi Bằng có giá trị chứng cứ, không cần chứng minh giúp bạn rút ngắn nhiều thủ tục phức tạp, rắc rối. Những nội dung số như “tin nhắn Zalo”, bài đăng trên website, trên facebook, các clip ghi hình, ghi âm… sẽ được Thừa phát lại kiết suất ra thành “Vi bằng” và sau đó bạn có thể tùy nghi sử dụng nó làm chứng cứ trong các quan hệ pháp luật liên quan.