Nhãn hàng hóa có được viết bằng tiếng Thái Lan không?

Chào luật sư: Tôi có công ty sản xuất nước giặt tại Hưng Yên, nay tôi thấy thị trường ưa chuộng hàng nước ngoài như Thái Lan, Hàn Quốc. Do đó tôi muốn thay toàn bộ tem nhãn tiếng Việt thành tiếng Thái để tạo sự tin tưởng cho khách hàng. Như vậy có được không? Anh Hiệp – Hưng Yên.

Cám ơn quý khách đã gửi câu hỏi cho Công ty Luật Vilaco, với thắc mắc trên chuyên viên chúng tôi xin được trả lời như sau

1.Cơ sở pháp lý của việc ghi nhãn hàng hóa

a) Luật Thương mại 2005

b) Nghị định số 43/2017/ND-CP VỀ NHÃN HÀNG HÓA.

c) Thông tư số 05/2019/TT-BKHCN Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị đinh số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.

2.Cách ghi nhãn cho sản phẩm nội địa

Hàng hóa nội địa hay còn gọi là sản phẩm trong nước được sản xuất riêng cho người tiêu dùng nước đó sử dụng (tức là sản phẩm nội địa Việt Nam phải được sản xuất bên trong lãnh thổ nước Việt Nam).

Mặt khác sản phẩm nội địa cũng có thể được sản xuất ở các nước khác (vì lý do giá nhân công ở đó rẻ hơn) nhưng sau đó vẫn được chuyển về quốc gia đó, trải qua các khâu kiểm soát nghiêm ngặt rồi sẽ được đưa ra thị trường.

Như vậy, hàng hóa của bạn được sản xuất tại nhà máy trong lãnh thổ Việt Nam, không thực hiện thủ tục xuất khẩu ra nước ngoài, chỉ lưu thông, tiêu thụ trên thị trường trong nước cho nên đó là sản phẩm nội địa.

Theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định về Ngôn ngữ trên nhãn hàng hóa như sau: Những nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa phải được ghi bằng tiếng Việt, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

Hàng hóa được sản xuất và lưu thông trong nước, ngoài việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này, nội dung thể hiện trên nhãn có thể được ghi bằng ngôn ngữ khác. Nội dung ghi bằng ngôn ngữ khác phải tương ứng nội dung tiếng Việt. Kích thước chữ được ghi bằng ngôn ngữ khác không được lớn hơn kích thước chữ của nội dung ghi bằng tiếng Việt.”

Mặt khác, căn cứ theo quy định tại điều 5 Thông tư số 05/2019/TT-BKHCN như sau:  Ngôn ngữ trình bày trên nhãn hàng hóa không phải dịch tất cả nội dung bằng tiếng Việt ra ngôn ngữ khác. Nếu dịch ra ngôn ngữ khác thì nội dung ngôn ngữ khác phải bảo đảm cho người đọc hiểu tương ứng với nội dung tiếng Việt”.

Như vậy, sản phẩm hàng hóa của bạn sản xuất và lưu thông trong nước phải ghi nội dung về nhãn hàng hóa bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Nếu bạn chỉ sử dụng tiếng nước ngoài trên sản phẩm của mình là bạn đã vi phạm quy định của pháp luật và có thể bị phạt vi phạm hành chính.

Bạn có thể viết thêm thông tin nhãn hàng hóa bằng tiếng Thái Lan tuy nhiên phải đáp ứng điều kiện nội dung phải tương ứng với nội dung chữ Tiếng Việt; kích thước dòng chữ nhãn hàng hóa đó không được lớn hơn kích thước chữ của nội dung ghi bằng tiếng Việt và nội dung ghi bằng tiếng Thái Lan phải đảm bảo cho người tiêu dùng đọc hiểu tương ứng với nội dung tiếng Việt.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Vilaco, nếu còn thắc mắc hoặc yêu cầu sử dụng bất kỳ dịch vụ pháp lý nào, vui lòng liên hệ đến hotline trên màn hình để được gặp luật sư tư vấn trực tiếp. Trân trọng!